(VTC News) - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ không có đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Góp ý tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thảo luận về vấn đề đào tạo và khoa học công nghệ trong tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới.


Đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam 


“Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ không có đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, không những nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật và công nghệ mà chúng ta cần tạo ra những nhà lãnh đạo, nhà quản lý nông nghiệp giỏi, giàu kỹ năng chuyên sâu về nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Bà Lan cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tập trung vào ưu tiên cho đầu tư vào giáo dục về nông nghiệp, nông thôn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công.

“ Không thể có một nền nông nghiệp phát triển nếu thiếu vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ khoa học, công nghệ. Khoa học và công nghệ sẽ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế phát triển của đất nước”, bà Lan bày tỏ.

Vừa qua Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã cố gắng trong việc đào tạo nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tái cơ cấu và nông thôn mới, đã đào tạo được một số lượng lớn nhân lực cho nông thôn.

Tuy nhiên, đòi hỏi của thực tiễn ngày càng cao, đòi hỏi người làm nông thôn mới và nông dân cần có kiến thức tổng hợp hơn nên chất lượng đào tạo cần phải được nâng lên.

“Thực trạng chúng ta đang gặp phải là thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng chuyên sâu về nông thôn mới, nội dung đào tạo chưa bao trùm hết những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho những người làm chuyên về nông thôn mới”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu.

Cán bộ nông thôn mới chủ yếu là kiêm nhiệm không chuyên sâu, thiếu các mô hình thí điểm, phát triển sản xuất bền vững để nông dân được học tập, thiếu sự tham gia của doanh nghiệp trong các mô hình thí điểm. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng nên giao cho các cơ sở đào tạo nông nghiệp làm đầu mối cùng với doanh nghiệp địa phương, nông dân xây dựng lại chương trình đào tạo khuyến nông sát thực hơn 

Về khoa học, công nghệ trong nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận tạo ra những giống mới và một số tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là rau quả xuất khẩu đạt 2,64 triệu đô lần đầu tiên xuất khẩu vượt lúa gạo và dầu thô.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa cao, chưa đạt được như chúng ta mong muốn.

Năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam chưa cao, kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ, đặc biệt là chương trình nghiên cứu nông thôn mới còn hạn chế, chưa xứng tầm.

“Chưa có cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trội hẳn về công nghệ, chưa tạo được sức hút thực sự mạnh để thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ.

Chưa triển khai có hiệu quả các chính sách để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp.Hiện nay mới chỉ có 1% đến 2% doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu.

Vì vậy, nữ Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất phải đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

“Gắn kết khuyến nông với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Giao cho các cơ sở đào tạo nông nghiệp làm đầu mối cùng với doanh nghiệp địa phương, nông dân xây dựng lại chương trình đào tạo khuyến nông sát thực hơn. Đầy đủ kiến thức, kỹ năng hơn phục vụ trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới.

Đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm hoàn chỉnh, phát triển bền vững và hiệu quả. Giúp nông dân các phương pháp làm, kỹ thuật cụ thể, đúng những thứ người nông dân cần. Dân có thể áp dụng được chứ không chỉ nói nhiều về lý thuyết và chung chung theo phong trào”, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất.

Video: Nông nghiệp Việt Nam và nguy cơ trở thành bãi rác cơ khí thế giới

Đại biểu Lan đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lựa chọn ưu tiên đầu tư cho một vài cơ sở đào tạo, Viện nghiên cứu nông nghiệp để thực sự có năng lực và đủ mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới.

“Chính phủ đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo nông nghiệp có năng lực, đào tạo ra các cán bộ hạt nhân chuyên về nông thôn mới, đào tạo các giáo viên cho chương trình khuyến nông có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của nông thôn mới.

Chính phủ cần có sự chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi triển khai chương trình nông thôn mới. Sau khi đã xác định rõ lợi thế và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh cần có sự ưu tiên tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới”, bà Lan nhấn mạnh.

Về tư tưởng chỉ đạo, phải coi đổi mới khoa học, công nghệ là đầu tàu dẫn dắt cho một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Bà Lan nhấn mạnh để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, ngoài các vấn đề về đầu tư, về cơ sở hạ tầng, các nguồn lực kinh tế khác hỗ trợ vốn, thể chế, tích tụ đất đai, chúng ta cần đặc biệt chú trọng và ưu tiên đầu tiên cho đào tạo nguồn nhân lực.

“ Đặc biệt là nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là các công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là các yếu tố tạo nên sự đột phá và là đòn bẩy cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới”, đại biểu Nguyễn Thị Lan kết luận.