Nông nghiệp là một ngành sản xuất của nền kinh tế quốc dân và là một bộ phận quan trọng của tái sản xuất xã hội. Phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, đóng góp vào ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Bùi Huy Khôi, 2011). Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo đời sống của hộ gia đình. Trước đây khi nhắc đến nông nghiệp thường nhắc đến sản xuất cây lương thực, chăn nuôi là nổi bật. Nhưng với xu thế của thị trường các loài hoa, cây cảnh vừa có giá trị về thẩm mỹ, giá trị về kinh tế lại còn mang giá trị về tinh thần. Trên thực tế, xuất phát từ sự phát triển của kinh tế hộ gia đình nông thôn mà một số hộ gia đình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh những hàng nông sản truyền thống như lúa, các loại hoa màu hay các loại cây công nghiệp thì các hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhằm tạo thu nhập cho gia đình và làm đa dạng sản phẩm nông nghiệp từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống hộ gia đình (Mai Thị Thanh Xuân và Đặng Thị Thu Hiền, 2013).

Trâu Quỳ là thị trấn của huyện Gia Lâm nằm ở phía Đông của thủ đô Hà Nội. Thị trấn Trâu Quỳ có 12 tổ dân phố với tổng diện tích là 734,28ha. Quá trình đô thị hóa đã có tác động to lớn đến chiến lược sinh kế của người dân, khiến cho đời sống của họ có nhiều thay đổi. Thu nhập của đại bộ phận cư dân ở thị trấn chủ yếu từ thương mại, dịch vụ và tiền lương. Hiện nay cùng với sản xuất nông nghiệp, Trâu Quỳ đã phát triển thêm nhiều nghề đặc biệt là thương mại và dịch vụ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, thị trấn Trâu Quỳ đã tập trung phát triển mô hình sản xuất cây giống, cây ăn quả có giá trị hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Các hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi kinh doanh cây giống từ những năm trước 2000, phát triển mô hình kinh tế và đem lại hiệu quả thu nhập cao. Thị trấn đã chuyển gần 50 ha từ cấy lúa sang mô hình kinh tế trang trại và trồng cây giống cho thu nhập cao hơn nhiều lần cấy lúa, trồng màu. Năm Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 58 triệu đồng/ người/ năm, tăng 1,72 lần so với năm 2015 (UBND thị trấn Trâu Quỳ, 2020).

Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bảng hỏi chọn 73 mẫu các hộ gia đình  sản xuất kinh doanh cây giống ăn quả tại thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm – Hà Nội. Trong đó 30 mẫu là các hộ gia đình sản xuất cây giống dưới 5 năm, 43 mẫu là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cây giống từ 5 năm trở lên. Kết hợp với phương pháp phỏng vấn bảng hỏi, nghiên cứu tiến hành 08 phỏng vấn sâu và 02 thảo luận nhóm là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cây giống nhằm thu thập thông tin về vai trò của sản xuất kinh doanh cây giống đối với thu nhập của hộ gia đình.

leftcenterrightdel
Vườn cây giống tại thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm – Hà Nội 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh  cây giống, thu nhập từ việc bán cây giống là một nguồn thu nhập thể hiện vai trò của nghề này đối với hộ gia đình. Tuy nhiên không phải hộ gia đình nào cũng có thu nhập giống nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập một năm của các hộ chủ yếu từ 50 triệu đồng trở lên sau khi đã trừ chi phí. Nhóm hộ sản xuất dươi 5 năm thu nhập chủ yếu từ 50 – 100 triệu đồng/năm. Nhóm hộ vừa sản xuất, vừa kinh doanh cây giống với mức thu nhập cao hơn chủ yếu từ 100 triệu đồng/năm. Giữa hai nhóm hộ có sự khác nhau như vậy vì nhóm hộ sản xuất kinh doanh từ 5 năm trở lên có nhiều kinh nghiệm, đồng thời đã đầu tư vườn ươm trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các hộ gia đình cho rằng nếu so với trồng lúa có năm làm ăn được thì gấp 10 lần so với trồng lúa. Thu nhập từ việc sản xuất cây giống để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Việc sản xuất cây giống có ý nghĩa quan trọng đối với hộ gia đình, là nguồn thu nhập chính và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nhà. “Trước đây khi chưa biết đến bán cây giống, người dân chỉ trồng lúa và chăn nuôi là chính nhưng sau khi có chính sách dồn điền đổi thửa, những ô thửa dài, có diện tích nhỏ hẹp đã được dồn đổi sang ô thửa vuông, có diện tích lớn thích hợp để chuyển đổi từ trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, lúa... có hiệu quả kinh tế thấp sang chuyên canh các loại cây giống, có hiệu quả kinh tế cao. Thế nên cũng chỉ có ít hộ mạnh dạn đầu tư vay vốn để trồng cây giống. Không làm người dân thất vọng, trồng cây giống đã đem lại kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Sau này thấy việc trồng và đem bán cây giống này mang lại thu nhập cao, nhiều hộ gia đình cũng đã mạnh dạn thầu đất và theo nghề này” (PVS, nam, 59 tuổi). “Bác năm nay 55 tuổi, trồng cây giống này cũng được gần 20 năm rồi, lúc đầu thì thu nhập còn ít do chưa có được kinh nghiệm cũng như cách thức chăm sóc cây nhưng bây giờ nhờ tìm hiểu qua ti vi, mạng internet cũng như kinh nghiệm lâu năm nên bác đã biết cách chăm sóc cũng như thu hoạch sao cho đạt hiệu quả cao nhất vậy nên thu nhập cũng được hơn trăm triệu 1 năm, cứ 3 sào là được 150 triệu rồi, đất nhà rộng vì thế mà cũng có của ăn của để, nói chung cũng thoát nghèo được nhờ trồng cây giống” (Pvs, nam 55 tuổi).

Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cây giống đã tự đánh giá điều kiện kinh tế hộ có sự thay đổi rất nhiều so với trước khi sản xuất kinh doanh cây giống. Số hộ giầu có tăng lên và không còn nhóm hộ nghèo, cận nghèo. Các gia đình đều có nguồn thu nhập ổn định và ở mức khá giả. “Từ ngày bán cây giống thu nhập gia đình cô chú đã nâng lên rất nhiều nhờ vậy hai vợ chồng có thể tích góp xây được cái nhà 2 tầng năm ngoái, đúng là xây được cái nhà nó phấn khởi thật nhà thoải mái thì tinh thần cũng sảng khoái hơn, chứ ngày trước đất thì rộng nhà thì lại không xây được to ở chật hẹp tạm bợ thiếu thốn đủ điều giờ sửa nhà thêm cái đầy đủ tiện nghi nên làm gì cũng phấn khởi hơn…” (PVS, nữ 46 tuổi). Trước kia chưa sản xuất kinh doanh cây giống, thu nhập và đời sống của các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm tập huấn trong sản xuất đời sống của các hộ gia đình đã được cải thiện hơn rất nhiều. “ Lúc chưa trồng cây giống chủ yếu là trồng lúa chăn nuôi cuộc sống thời đấy còn khó khăn khổ nhiều hơn so với bây giờ và đa số người ta sống trong nhà mái ngói hoặc nhà cấp 4 bình thường thôi vì thu nhập lúc đó còn thấp, đâu được như bây giờ, cháu thấy đấy nhà ai mà đã xây nhà nào cũng đẹp và đầy đủ hết. Chỉ khi từ ngày người dân nơi đây cùng nhau trồng cây giống và hoạt đồng bán cây giống phát triển thì người dân làm ăn được dư ra có thể xây dưng nhà cửa, sắm sửa nhiều thứ…” PVS, nữ 62 tuổi). Sản xuất kinh doanh cây giống mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân địa phương, ổn định an sinh xã hội, giảm các tệ nạn xã hội, tăng thu nhập. Bên cạnh đó góp phần bảo vệ môi trường bền vững, vườn ươm cây giống tạo lá phổi xanh cho thủ đô (chăn nuôi bẩn hơn, vườn ươm cây giống giúp thanh lọc không khí, điều hòa môi trường). Các hộ gia đình có nguồn thu nhập, ổn định đời sống.

Sản xuất kinh doanh cây giống có vai trò quan trọng và là nguồn thu nhập chính trong đời sống của các hộ gia đình. Đối với nhóm hộ sản xuất cây giống dưới 5 năm do mới đầu tư vốn vào vườn ươm nên thu nhập còn chưa cao, đối với nhóm hộ vừa sản xuất vừa kinh doanh mang lại mức thu nhập cao chủ yếu từ 100 triệu đồng trở lên. Trong thời kỳ đại dịch Covid diễn ra, nhưng nguồn thu nhập của các hộ gia đình vẫn được đảm bảo. Ngoài hình thức tiêu thụ truyền thống, các hộ gia đình còn bán sản phẩm cây giống qua hình thức online. Nhờ đó làm thay đổi đời sống kinh tế hộ theo hướng tăng lên, đây là nguồn thu nhập chính của hộ chiếm khoảng  80% thu nhập của cả hộ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 12/2016 ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn

2.     UBND Thị trấn Trâu Quỳ (2020), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Thị trấn Trâu Quỳ

3.     Tống Văn Chung (2011). Giáo trình xã hội học nông thôn. NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

4.     Khổng Tiến Dũng, Phạm Lê Thông (2011). Các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí khoa học trường đại học Cần Thơ. Số 3: 81-90.  Hồng Hải (2016). Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới Nguồn:http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010070/0/35357/Co_cau_lai_nganh_nong_nghiep_gan_voi_xay_dung_nong_thon_moi. Truy cập ngày 26/8/2020

5.     Nguyễn Phượng Lê, Lê Văn Tân (2013). Vai trò của sản xuất nông nghiệp đối với các hộ dân vùng ngoại thành Hà Nội: Nghiên cứu điển hình ở thị trấn Trâu Quỳ -huyện Gia Lâm. Tạp chí Khoa học và Phát triển 2013, tập 11.

6.      Phạm Văn Quyết (2012). Những biến đổi của xã hội nông thôn Việt Nam  trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  những năm đầu thế kỷ XXI. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn.

7.      Nguyễn Đức Truyến, 2006. Kinh tế hộ gia đình và các quan hệ xã hội ở nông thôn đồng bằng song Hồng trong thời kì đổi mới. NXB Khoa học xã hội

8.     Tổng cục thống kê (2019). Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019, Hà Nội 6-2019.

9.     Tổng cục thống kê (2016). Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam, nhà xuất bản thống kê Hà Nội.

10. Tổng cục thống kê (2021). Tình hình kinh tế- xã hội năm 2021

11.  Mai Thị Thanh Xuân, Đặng Thị Thu Hiền (2013). Phát triển kinh tế hộ gia đình Việt Nam. Tạp chí khoa học ĐHQGHN kinh tế và kinh doanh, tập 29 số 3/2013.

 

Trần Thanh Hương – Khoa Khoa học xã hội