Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, nguồn nhân lực thực hiện phòng chống thiên tai (PCTT) tại Việt Nam còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.
Chiều 4/11, phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm lớn đến công tác phòng, chống thiên tai và nhiều đại biểu đã phát biểu tại hội trường về công tác này.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan thông tin, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu rõ, các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn về người và của cho đất nước. Phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội, được thể hiện qua Nghị quyết 76 của Chính phủ, Chỉ thị 42 của Trung ương về phòng, chống thiên tai…
|
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu tại nghị trường |
Đối với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Canada và nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến công tác phòng, chống thiên tai; được giảng dạy tại các trường học, chương trình giáo dục cộng đồng… Đối với Việt Nam, nước ta đã có nhiều giải pháp ứng phó với phòng, chống thiên tai và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận thấy, thực trạng nguồn nhân lực thực hiện phòng, chống thiên tai còn thiếu, hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy. Hiện nay hầu như chưa có cơ sở đào tạo đại học nào cấp bằng về ngành phòng, chống thiên tai…
GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội.
"Gần đây nhất, trong dịp về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi đó đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống thiên tai”, bà Lan cho hay.
Đề xuất một số giải pháp liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần tăng cường thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn về phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân.
|
|
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Đồng thời rà soát, cải tiến và xây dựng mới chương trình đào tạo bài bản, phù hợp về phòng, chống thiên tai ở các cấp học, bậc học, đảm bảo cập nhật về nội dung, kiến thức, công nghệ mới của thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, đảm bảo sự liên thông giữa các lớp học và bậc học, giữa trong và ngoài nước; tổ chức các loại hình đào tạo, từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo dài hạn, cần có cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo bậc đại học, sau đại học về lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Cùng với đó, rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước để tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chuyên nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này cho đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng tới việc cử cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, đội ngũ giảng viên đi học tập và đào tạo nghiên cứu tại các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai để đủ sức kiến tạo, dẫn dắt, tham mưu và triển khai các chủ trương về phòng, chống thiên tai của đất nước.
https://tuoitrethudo.vn/