\r\n
\r\n
\r\n Thứ năm và chủ nhật hàng tuần, nhóm sinh viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội lại đi nhặt rác. Thu gom chai, lọ, giấy báo đầy bao, họ cùng nhau mang ra hàng phế liệu bán lấy tiền giúp trẻ nghèo ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
\r\n
\r\n \r\n \r\n \r\n | \r\n
\r\n \r\n \r\n Trang và một thành viên trong nhóm đóng rác vào bao tải từ các điểm thu gom. Ảnh: B.M. | \r\n
\r\n \r\n
\r\n
\r\n Xách bao tải đến khu nhà dành cho sinh viên quốc tế, chàng sinh viên năm nhất gõ cửa từng phòng xin chai, lọ nhựa hoặc giấy, bìa bỏ đi. Như đã quen với nhóm gom rác, những du học sinh ở đây không hỏi gì thêm.
\r\n
\r\n Nghe tiếng gõ cửa, một sinh viên người Lào tên Pheng (lớp Cây trồng) xách ra một sọt rác đặt ở cửa rồi quay vào trong gom đống giấy tờ. Nhóm sinh viên Việt cặm cụi bới trong chiếc sọt đó những chai nước đã uống hết hay lon bia bẹp dúm. Thấy có vẻ ít, Pheng hăng hái tìm ngoài hành lang mong kiếm thêm được thứ gì.
\r\n
\r\n Xong xuôi, đội gom rác tiếp tục lên tầng trên, gõ cửa và dùng ngôn ngữ cơ thể để... xin rác. Lúc sau, các nhóm tíu tít tập trung dưới sân trường và khoe vừa xin được nồi cơm điện, chiếc đèn học bán được "ối tiền". Đội gom ở khu vực nhà trọ sinh viên gần đó cũng nhanh chóng bê về những bao tải đầy chai, lọ.
\r\n
\r\n Khi đã tập kết đủ rác, khoảng 30 sinh viên xách hoặc chở bằng xe đạp ra hàng phế liệu để phân loại rồi cân bán. Ngày thu gom cuối tuần, toàn đội thu hoạch được 385.000 đồng từ 26 kg vỏ chai, gần 30 kg giấy, 81 lon cùng bìa, sắt và chai thủy tinh.
\r\n
\r\n \r\n \r\n \r\n | \r\n
\r\n \r\n \r\n Một thành viên trong nhóm đang lựa chọn những chai, lọ trong sọt rác. Ảnh: BM. | \r\n
\r\n \r\n
\r\n
\r\n Hoạt động thu gom rác nằm trong dự án "Đồ cũ là vàng" của nhóm sinh viên Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản bắt đầu được một tháng. Tiền thu từ việc bán rác thải nhóm dành để mua những nhu yếu phẩm, chăn, màn, quần áo mang lên cho trẻ em và người dân nghèo ở Cao Bằng.
\r\n
\r\n Ý tưởng xách tải đi nhặt rác ra đời sau lần tình nguyện tiếp sức mùa thi của đội trưởng Trần Thu Trang. Có nhiều bạn bè trong nhóm tình nguyện quê ở vùng cao, Trang được nghe những câu chuyện về cuộc sống thiếu thốn của người dân ở đó. Muốn một lần lên với các em nhỏ miền núi, cô nghĩ ra dự án "Đồ cũ là vàng" chuyên gom rác bán lấy tiền.
\r\n
\r\n Cô chia sẻ, mục đích của dự án nhằm giúp chính cô và các bạn trong nhóm học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, nói chuyện trước đám đông, sắp xếp, tổ chức kỷ luật; gây quỹ từ thiện và vệ sinh môi trường. Nhóm của cô hiện là sự kết hợp của các sinh viên trong khoa và hội đồng hương Bắc Giang, Hưng Yên đang học tại ĐH Nông nghiệp.
\r\n
\r\n Sau khi hoàn thành đề án chi tiết, Trang gửi lên khoa xin ý kiến và tài trợ. Ban đầu bản kế hoạch chia nhiều giai đoạn khiến các thầy cô lo ngại cô sinh viên năm thứ ba này sẽ không thực hiện được. Tuy nhiên, cuối cùng Trang và nhóm đã nhận được sự đồng ý đi gom rác ở 11 dãy nhà ký túc xá. Sau vài tuần đầu công việc trôi chảy, các thầy cô trong khoa biết dự án của Trang đã mang quần áo, tiền đến ủng hộ.
\r\n
\r\n Nhớ lại thời gian đầu đi nhặt rác, nữ sinh quê Nam Định tâm sự, nhiều lúc cô định bỏ cuộc gì gặp quá nhiều khó khăn. Không có tiền mua bao tải đựng rác, cô tới trại cá của thầy xin bao đựng thức ăn cho cá. Để đi hết từng phòng ở 11 khu ký túc xá, Trang phân chia các bạn thành nhiều nhóm nhỏ. Đến lịch thu gom thứ năm và chủ nhật hàng tuần, thành viên tập trung ở trường, nhận bao tải rồi tản ra các khu nhà.
\r\n
\r\n Trước khi tới các phòng, Trang và các bạn phải làm công tác truyền thông bằng miệng hoặc tờ rơi. Lần đầu ra quân, cả đội thất vọng khi lượng rác xin được không như mong đợi và chỉ bán được hơn 100.000 đồng. Một số phòng không hợp tác còn đóng cửa hoặc không nói một lời khi nhóm vào xin rác.
\r\n
\r\n \r\n \r\n \r\n | \r\n
\r\n \r\n \r\n Sinh viên Lào đang sắp xếp giấy bỏ đi cho nhóm thu gom rác. Ảnh:BM. | \r\n
\r\n \r\n
\r\n
\r\n "Những phòng có thái độ như vậy chỉ là số ít. Ở khu ký túc xá nam, mặc dù chúng em đã dặn trước là để riêng chai lọ nhưng các bạn vẫn quên và vứt lẫn lộn cả rác vào đó. Mỗi lần đến gom, nhóm phải bới trong sọt những thứ bán được", Trang kể.
\r\n
\r\n Không chỉ gặp trở ngại từ việc bất hợp tác, nhóm Trang còn phải cạnh tranh với đội quân thu nhặt ve chai từ ngoài vào. Thuộc lịch của nhóm, những bà thu nhặt phế liệu thường đi trước. Có hôm đến nơi, Trang chẳng xin được thứ gì vì các phòng đã cho hết bà đồng nát.
\r\n
\r\n Trang chia sẻ, không được phép xin các hộ dân ở thị trấn nên lượng rác giảm đáng kể. Ở các khu trọ, chủ nhà thường nhặt nhạnh chai lọ để bán nên họ không đồng ý "chia sẻ" với nhóm sinh viên. Để tận dụng nguồn rác "lãng phí", cô chỉ dám tới khu trọ có các thành viên tham gia dự án.
\r\n
\r\n "Em thường xuyên dặn bạn bè để dành chai lọ, quần áo không mặc tới hay sách vở cho em. Mỗi lần đến gom, em đều phải chuẩn bị túi bóng màu đen để chủ nhà không phát hiện", Trang kể.
\r\n
\r\n Tạo thói quen "để phần rác" cho các dãy nhà của sinh viên Việt đã khó, việc tới khu sinh viên quốc tế "đặt vấn đề" còn khó hơn do bất đồng ngôn ngữ. "Có lần em tới phòng sinh viên Lào xin rác, họ hỏi 'nhặt gì đấy?', em nói ngắn gọn 've chai'. Bạn đó tròn mắt ngạc nhiên hỏi lại 'hả, ve chai á'. Hóa ra họ hiểu từ đó thành 've con trai', cô nàng phá lên cười khi nhớ lại kỷ niệm vui.
\r\n
\r\n Lần khác, nhóm Trang gõ cửa phòng sinh viên Mozambique. Sau một hồi dùng ngôn ngữ cử chỉ, Trang đành bó tay vì cậu bạn lúc thì chạy ra mời ăn hoa quả, khi lại xách cả túi rác đồ ăn bỏ vào tải và nở nụ cười không hiểu.
\r\n
\r\n Sau vài tuần đầu bỡ ngỡ, giờ hoạt động của nhóm Trang đã đi vào quy củ. Các phòng trong ký túc xá và khu trọ sinh viên đã nhớ "để dành" rác cho nhóm làm từ thiện. Chủ nhân của dự án "Đồ cũ là vàng" tâm sự, giờ đi đâu, cô cũng ngó ngang dọc nhìn xem bên vệ đường có chai, lọ nhựa để nhặt. Biết vậy, bạn bè yêu quý "tặng" cô cái tên "Trang chai, lọ".
\r\n
\r\n \r\n \r\n \r\n | \r\n
\r\n \r\n \r\n Trước khi đưa rác lên cân, các thành viên trong nhóm cùng nhau phân loại. Ảnh BM. | \r\n
\r\n \r\n
\r\n
\r\n Mặc dù dự án chạy suôn sẻ nhưng Trang vẫn đau đầu khi chưa biết làm cách nào để tăng số tiền quỹ. "Với 8.000 đồng/kg chai, lọ nhựa và 4.000 đồng/kg giấy, số tiền thu về không nhiều. Trong một tháng hoạt động, ngoài hơn 2 triệu đồng hỗ trợ của các thầy cô, chúng em mới kiếm được 2 triệu từ tiền bán rác. Bởi vậy, để có kinh phí mua chăn, màn, quần áo cho các em nhỏ Cao Bằng, nhóm rất cần sự hỗ trợ từ các cá nhân hay tổ chức", Trang bộc bạch.
\r\n
\r\n Cô sinh viên ngành Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản hy vọng, dự án của cô sẽ được "nối dài" sang các năm sau để giúp đỡ thêm trẻ em vùng cao có chăn ấm, sách vở.
\r\n
\r\n Theo tiến sĩ Phạm Kim Đăng, Phó khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản, việc thu gom rác thải bán lấy tiền làm từ thiện là một ý tưởng hay thể hiện ý thức tốt của sinh viên. Khoa ủng hộ và luôn hỗ trợ để nhóm thực hiện sáng kiến của mình.
\r\n
\r\n "Khoa luôn hướng cho sinh viên có ý tưởng sáng tạo rồi tự tổ chức, thực hiện, gặp khó khăn, thầy cô mới giúp đỡ. Chúng tôi cũng hướng tới nhiều chương trình ý nghĩa để lôi kéo thêm nhiều sinh viên tham gia hơn nữa. Về dự án này, tuần tới tôi sẽ liên hệ với một vài công ty và tổ chức để kêu gọi sự ủng hộ của họ", thầy Đăng cho biết.
\r\n
\r\n Để nắm được hoạt động của nhóm, thầy Đăng thường xuyên cập nhật facebook riêng của dự án. "Bước đầu các em có thể gặp khó khăn nhưng càng về sau sẽ thuận lợi hơn. Tham gia những hoạt động này, sinh viên sẽ có thêm nhiều kỹ năng trước khi ra trường. Thầy cô muốn để các em tự vận động và luôn ở bên cạnh hỗ trợ", thầy Đăng chia sẻ.
\r\n
\r\n Bình Minh (vnexpress.net)