Bước từ những thửa ruộng nhỏ lẻ ra thị trường, người nông dân bị coi là "chậm đổi mới", bảo thủ, khư khư giữ lấy miếng đất, không biết nhìn xa trông rộng và do đó khó lòng đạt được những mục tiêu kinh tế lớn lao. Tôi muốn chúng ta cùng nhìn lại nguồn cơn...

leftcenterrightdel
Ảnh: NAG Nguyễn Đình Thành. 

Lịch sử mang khuôn mặt nông dân

Trải bao bể dâu thăng trầm, dường như mọi thứ thuộc về văn minh của xứ sở này đều do nông dân và tầng lớp trí thức của họ (nông dân ưu tú) sáng tạo ra; hình hài vóc dáng đất nước này cũng do chính họ tạc nên rộng dài qua hàng ngàn năm lịch sử, với biết bao mồ hôi và xương máu của những người nông dân mặc áo lính. Nền kinh tế tiểu nông với lối canh tác thủ công đã coi hạnh phúc đơn giản là "chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa", dung dị và sâu lắng trong các làng quê hiền hòa với mái đình cây đa bến nước, đẹp, đầy hoài niệm và rất đáng trân quí.

Nhưng nền kinh tế tiểu nông vẻ vang một thời không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập, nên lề thói canh tác cần thay đổi. Trong giai đoạn trước Đổi mới, chúng ta đã chủ trương lấy công nghiệp nặng làm then chốt, đầu tàu kéo cả nước đi lên. Còn ở nông thôn, chúng ta đã tập thể hóa ruộng dất và công cụ sản xuất của những người “nông dân cá thể” vào các HTX, với mục đích không chỉ giúp người nông dân quản lý kinh tế, phát triển sản xuất mà còn nhằm quản lý tư tưởng nông dân và quản lý xã hội nông thôn.

Tinh thần làm chủ tập thể chưa được xây dựng thì chúng ta vấp phải thiếu đói và phải nhờ quyết định mang tính lịch sử - quay về kinh tế tiểu nông, lấy kinh tế hộ gia đình làm hạt nhân, được hiểu là Khoán 10 mới thoát khỏi vòng kim cô của tư duy kế hoạch hóa. Nhờ cởi trói mà ngày nay Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỉ USD, tăng bình quân 9,24%/năm... Những con số ấn tượng luôn rổn rảng trên các phương tiện truyền thông và trên các trang báo cáo đã làm nức lòng bao người!

Nhưng hình như chúng ta say sưa với những thứ hạng nhất nhì thế giới ấy hơi lâu; đến một ngày, chúng ta chợt giật mình: thành tích của ngành nông nghiệp ngoạn mục thế, sao nông dân của chúng ta đa số vẫn nghèo khổ, dù tính theo chuẩn nghèo thu nhập hay nghèo đa chiều thì họ vẫn cứ là tầng lớp nghèo khổ và thiệt thòi nhất trong xã hội. Những người nông dân hiền lành lam lũ vẫn cứ lẳng lặng bỏ ruộng đồng, bỏ làng mạc mà đi. Nông dân trên khắp các vùng miền lũ lượt ly nông ly hương, dắt díu nhau đi làm thuê nơi phố thị và rời Tổ quốc làm thuê nơi xứ người, cả chính thức và phi chính thức; ước đoán, có khoảng 20% cư dân các tỉnh Duyên hải Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, 18,4% cư dân ĐBSCL đã phải tha phương cầu thực1. Tốc độ tăng dân số của nhiều vùng nông thôn bị chững lại, có những khu vực như ĐBSCL, tỉ lệ tăng trưởng dân số hiện nay là -0,13%!

Có người cho rằng, đây là xu thế tất yếu và đáng mừng vì người nông dân đã tìm thấy các nguồn sinh kế mới thu nhập cao hơn và ổn định hơn. Đây là cơ hội tốt để dồn điền đổi thửa và tích tụ hay tập trung đất đai vào tay những người “biết làm ruộng”. Tích tụ hay tập trung đất đai cho sản xuất lớn là nhu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nhưng có lẽ còn vướng ở đâu đó mà hàng ngàn hecta đất bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang, hàng triệu lao động trẻ bỏ đồng ruộng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nguyên nhân chủ đạo là: ruộng không nuôi nổi người, miền quê không còn là nơi đáng sống nữa. Các báo cáo về sản xuất nông nghiệp thường thiên về “số lượng” chứ rất ít khi đưa ra các con số cụ thể về năng suất trên một đơn vị ngày công, năng suất trên một đơn vị đầu tư và lãi thuần trên một đơn vị diện tích canh tác, cũng như phân tích lợi ích/chi phí của nghề làm nông, giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị2 v.v…

Phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nông hộ có liên kết, có liên doanh, có kết quả gắn trong chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Muốn tích tụ được đất đai để có các đại nông thì buộc phải công nhận đất đai là tài sản của nông dân và khi cần mua bán, trao đổi, chuyển nhượng đều cần phải thương lượng trên cơ sở thỏa thuận theo giá thị trường.

Chúng ta cần tạo ra một động lực mới, một nguồn cảm hứng mới cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, để vượt qua các vật cản đang hiện hữu: nông hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, phân tán, lao động gia công là chủ yếu, năng suất thấp, chất lượng thấp, liên kết ngang (nông dân với nông dân) và liên hết dọc (nông dân với doanh nghiệp) đều yếu, khả năng cạnh tranh rất thấp. Nhưng những bứt phá để vượt qua các vật cản ấy vẫn phải đáp ứng được khát vọng đất đai của người nông dân, vì đất đai là động lực, là văn hóa, là sức mạnh, là quê hương, là mồ mả tổ tiên, là cội nguồn, là những gì thiêng liêng và quý giá nhất của kiếp người, của thân phận nông dân.

Dân cày với đất đai

Phải hiểu vấn đề dân cày với đất đai thì mới hiểu vì sao họ bỏ ruộng, họ ly nông ly hương, nhưng không bán ruộng, đói nghèo mà vẫn khư khư giữ lấy ruộng vườn; đó không phải là mâu thuẫn, đó là thực tế biện chứng, ở đó có lý do kinh tế, có lý do xã hội, có lý do thuộc về quan niệm sống, lý do về cách sống của từng giai tầng trong xã hội. Mà không phải chỉ nông dân ta, hình như đã là nông dân ở Tây ở Tàu cũng đều như thế cả; hãy đọc “Người Nông Dân Châu Thổ Bắc Kỳ” của Pierre Gourou, “Totem sói” của Khương Nhung, “Nông dân’ của W.S. Reymont, hay “Sông Đông êm đềm” của M.A. Solokhov, v.v… thì sẽ thấm điều đó. Đó là chưa kể đến, đất nước mình (nghĩa là nông dân mình) đã từng trải nghiệm qua nhiều cuộc bể dâu, thiên tai, giặc dã và cả những sự cố do nhận thức và tầm nhìn (nhân tai) như cải cách ruộng đất, HTX kiểu cũ, … nên dù có đi đâu về đâu, làm gì, thì vẫn cố giữ lấy mấy miếng  “đất cắm dùi” phòng khi thất cơ lỡ vận thì còn có chỗ dung thân, đất là vật đảm bảo để họ đi xa, để họ tìm kiếm các nguồn sinh kế mới.

Có lẽ vì sốt ruột với tốc độ tăng trưởng GDP và năng suất lao động nông nghiệp thấp, người ta đã đổ lỗi cho nông dân mà không cần minh chứng thuyết phục, giống như người ta quy kết rằng sự chậm trễ của đất nước trong quá trình hội nhập,sự kém cỏi của nền kinh tế, sự trì trệ của quản trị xã hội đều có nguyên nhân sâu xa là từ người nông dân, từ nền kinh tế tiểu nông, từ nếp nghĩ thủ cựu, lạc hậu, từ tư tưởng ko biết nhìn xa trong rộng của tầng lớp nông dân, v.v…   

leftcenterrightdel
Mô hình hội quán ra đời ở Đồng Tháp, do chính những người nông dân tự xây dựng nhằm liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống và sản xuất. Ảnh: Lễ ra mắt Thuận Tân hội quán, xã Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: Bảo Như.  

Người ta đòi hỏi nông dân phải “đổi mới tư duy” cùng với Đảng và Nhà nước, người  ta kiến nghị, phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị bảo đảm nâng cao lợi tức của nông dân cần một tầng lớp nông dân đổi mới, tầng lớp nông dân “cũ” cổ hủ, lạc hậu và thiển cận quá rồi! Họ tin là, tất cả những cố gắng của nhà nước trung ương và địa phương cùng các doanh nghiệp đều như công dã tràng nếu không có sự đổi mới thứ hai: đó là sự đổi mới của người nông dân. Theo họ, sở dĩ phải ‘thay’ nông dân, vì nông dân luôn là người chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ, thiển cận, khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại. Người ta cũng cho rằng, vấn đề làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu “nhìn xa hiểu rộng”, và đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay đây là thách thức lớn nhất, chứ ko phải các thứ khác,. À thì ra, lỗi là tại chúng ta chưa có một tầng lớp nông dân mới, quả cảm và trách nhiệm như cha ông họ hơn 30 năm về trước đã cả gan dám vuốt râu cọp khi liều lĩnh khoán “chui”?

Theo họ, “người nông dân đổi mới” mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân “biết tự giác” thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Lại có người cho rằng, nông dân phải tự cứu mình, đừng chờ nhà nước cứu! Thấy lo và tủi cho nông dân mình. Làm sao những người nông dân thân cô thế cô, lại có thể ngăn được nông sản Trung Quốc giá rẻ ào ạt tràn vào thị trường? Làm sao họ vay được vốn ưu đãi của nhà nước một cách dễ dàng và thuận tiện, không phải dính líu đến tín dụng đen đang làm bần cũng hóa bao nhiêu gia đình? Làm sao nông dân có thể tự làm giảm chi phí vận tải để tăng được lãi ròng cho hàng hóa của họ? Làm sao nông dân có thể tự nghiên cứu – tạo ra giống mới để thích nghi với biến đổi khí hậu? Làm sao họ có thể liên kết với nhau để chống những trận dịch như cơn bão lớn tràn qua khắp các tỉnh thành làm cho ngành chăn nuôi điêu đứng? Làm sao nông dân có thể bảo các “ông lớn” đang thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi không được cho kháng sinh và chất tăng trọng vào thức ăn gia súc, gia cầm? Làm sao nông dân có thể tự ngăn chặn được giống giá, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả tràn lan?

Những điểm then chốt để phát triển nông nghiệp

Người ta rất tâm đắc với ý kiến của một vị nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, một con người cả đời gắn bó với ruộng đồng, luôn buồn vui và thao thức với công cuộc phát triển nông nghiệp. Làm nông nghiệp tức là kinh doanh nông nghiệp, trong đó trực canh là phương thức canh tác đã được chắt lọc ra từ ngàn đời, phù hợp với đồng đất và con người Việt Nam. Trực canh nghĩa là trực tiếp quản lý, trực tiếp lao động trên đồng ruộng, điều đó trở thành một phương sách về quản trị đất đai qui mô nông hộ rất hiệu quả kéo dài trong suốt quá trình lịch sử nhưng thường “bị” hiểu là “lạc hậu”. Đã có không ít các tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp áp dụng phương thức quản trị kiểu phương Tây, “sản xuất lớn”, nhưng cuối cùng họ cũng phải khôn ngoan chấp nhận trực canh, vẫn là của hộ quản lý nhưng bằng phương tiện khoa học kỹ thuật mới, lề thối quản lý mới, tư duy quản trị theo lối công nghiệp, hướng tới thị trường trong nước và thị trường toàn cầu. Như thế, trực canh vẫn là hiệu quả nhất, bền chặt nhất gắn với kinh tế hộ, kinh doanh tiểu nông nhưng trên một tầm cao mới của các đại gia đầu tư vào nông nghiệp. Trực canh cho phép sử dụng tối đa các nguồn lực gia đình và cộng đồng, trẻ có việc trẻ, già có việc già, rất hiệu quả. Ngày hôm qua có kinh tế hộ nông dân, ngày hôm nay vẫn còn nông nghiệp hộ, ngày mai vẫn còn tồn tại nông nghiệp hộ gia đình, ngày kia vẫn thế, chắc chắn là như vậy, tất nhiên là quy mô và phương thức quản trị có khác, ngày một cao hơn, hướng tới thị trường trong nước và nước ngoài. Suy cho cùng, làm trang trại hiện đại kiểu TH True milk vẫn dựa trên nền tảng hộ gia đình nhưng được quản trị theo phương pháp sản xuất hàng hóa lớn theo kiểu công nghiệp, theo tư duy công nghiệp. Sở hữu đất đai gắn với trực canh là lợi thế của kinh doanh nông nghiệp, của kinh tế hộ gia đình. Do đó, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai nhưng phải tôn trọng quyền tài sản, quyền sở hữu ruộng đất, động lực lớn nhất của sản xuất nông nghiệp và phải tạo điều kiện để luôn đồng tồn tại các loại hình nông hộ quy mô nhỏ, quy mô trung bình, được quản trị theo hướng kinh doanh và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường toàn cầu, vẫn phải gắn với quyền về đất đai của nông dân.

leftcenterrightdel
 Gạo Cỏ May là một trong những doanh nghiệp có mối liên kết tốt với người nông dân. Ảnh: Cỏ May.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì nông nghiệp tất nhiên cũng phải được công nghiệp hóa, phải là nông nghiệp thông minh. Nhưng chúng ta muốn có một nền nông nghiệp hiện đại thì phải gắn với một nền công nghiệp hiện đại tương xứng để phục vụ phát triển nông nghiệp chứ không phải là một nền công nghiệp phải đi nhập hay vay mượn quá nhiều. Để phát triển nông nghiệp, chúng ta cần có chính sách và thể chế phù hợp như sự hỗ trợ về đất đai, vốn, khoa học công nghệ và thúc đẩy thị trường cho từng loại hình nông hộ. Dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng, cho thuê hay góp cổ phần bằng đất thì cũng cần tuân thủ cho đúng quy luật và nguyên tắc của trực canh. Phải tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nông hộ có liên kết, có liên doanh, có kết quả gắn trong chuỗi giá trị và gắn với thị trường. Muốn tích tụ được đất đai để có các đại nông thì buộc phải công nhận đất đai là tài sản của nông dân và khi cần mua bán, trao đổi, chuyển nhượng đều cần phải thương lượng trên cơ sở thỏa thuận theo giá thị trường. □

Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng suy tính một cách rất có trách nhiệm tìm ra các phương cách để bảo trợ hợp pháp nông sản của nông dân, phát triển nông nghiệp trên tư duy công nghiệp một cách hợp lý, hỗ trợ nông dân làm giàu, phát triển các nông thị, đồng hành cùng nông dân, vui buồn cùng nhà nông. Những ai có hiểu biết tối thiểu về lịch sử phát triển nông nghiệp của Việt Nam và của một vài cường quốc nông nghiệp như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đều có thể rút ra các bài học thiết thực cho nông nghiệp nước mình. Nền nông nghiệp Nhật Bản vẫn dựa trên các nông hộ sản xuất nhỏ, trên các thửa ruộng nhỏ bé, miếng cao miếng thấp, miếng rộng miếng hẹp, ở đó cũng không có dồn điền đổi thửa, không có cánh đồng mẫu lớn, chỉ có các nông hộ tự nguyện và tự giác hợp tác làm ăn với nhau trong các Nougyou kyoudou kumiai hay Noukyou (農業共同組合 hay 農協, Nông hiệp, tiếng Anh là Japan Agricultural Cooperative hay JA), một hình thức liên kết các hộ liền bờ liền thửa, đó chính là các hợp tác xã, từ cấp nhỏ đến cấp lớn, tổ chức cấp cao nhất quản lý nông hiệp hay hợp tác xã của toàn quốc là 全国農業協同組合中央会 (JA 全中, tiếng Anh là Central Union of Agricultural Co-operatives, gọi tắt là JA zen-chuu). Nông hiệp lo tổ chức sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, lo đầu vào, đầu ra để người nông dân có thu nhập cao nhất, chính quyền lo chính sách để người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, nhà nước không can thiệp vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của các Nông hiệp hay của hộ nông dân. Có lẽ nhờ cách tổ chức sản xuất ấy mà Nhật bản đã trở thành một cường quốc nông nghiệp ở phân khúc giá cao. Qua đó có thể thấy, hình như mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ khác, chứ không phải tại nông dân ta bảo thủ, lạc hậu, khư khư giữ lấy miếng đất, không biết nhìn xa trông rộng như ai đó đã nhắc nhở.

----

1Theo Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra di cư nội địa năm 2015.

2 Ví dụ, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu ở ĐH Cần Thơ đăng trên Tạp chí của ĐH này năm 2014 cho thấy, thu nhập bình quân của nông dân trồng lúa trung bình là 6,4 triệu đồng, chi tiêu cho sản xuất trung bình là 3,7 triệu. Mỗi hộ gia đình có thể thu lợi nhuận từ việc trồng lúa với diện tích trung bình là 7,17 nghìn m2 chỉ có 2,7 triệu đồng/vụ. Nguồn: https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/tacgia-14858/baibao-7358/doi-ctu.jvn.2014.107.html 

Trần Đức Viên