Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động chào mừng lễ kỉ niệm ngày thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 23 tháng 9 năm 2024, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tổ chức seminar toàn khoa. Tại phòng họp của khoa, TS. Lưu Văn Duy đại diện nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu với chủ đề "Nhận thức của nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp ở tỉnh Thái Bình" trước toàn thể các giảng viên, nghiên cứu viên của khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.

Bài trình bày đã nhấn mạnh rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy nông nghiệp chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ số. Ở Việt Nam, nông nghiệp được xác định là một trong tám ngành ưu tiên của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu góp phần tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, tạo việc làm…Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây mới chỉ tập trung vào các khía cạnh như lợi ích của chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ số và các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong khi đó, nhận thức của nông dân về chuyển đổi số, yếu tố tiền đề cơ bản cho quá trình số hóa nền nông nghiệp hiện có rất ít học giả nghiên cứu chuyên sâu.

Tổng quan về nông nghiệp số ở Thái Bình, nghiên cứu chỉ ra rằng, nông nghiệp có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình, chiếm 88,2% tổng dân số (1,65 triệu người), 88,5% số tổng số hộ (0,54 triệu hộ). Năm 2022, nông nghiệp chiếm 21,2% tổng giá trị sản xuất của tỉnh cao gần gấp đôi bình quân chung của cả nước (11,88%). Thái Bình cũng đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp... Tuy nhiên, nông nghiệp Thái Bình còn nhiều khó khăn, thách thức như: nông sản giá thấp vì thiếu kết nối với người tiêu dùng và thiếu truy xuất, không thương hiệu; nông dân sản xuất theo tập quán cũ, nhỏ lẻ; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít và thiếu vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo chất lượng...

Thái Bình đã và đang triển khai rất nhiều những chương trình về Chuyển đổi số như Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 571/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Nhờ có nhiều chủ trương, chính sách đúng, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Thái Bình đã đạt được một số kết quả tích cực trên cả 3 khía cạnh: Hạ tầng số, Kinh tế số và Xã hội số. Tuy nhiên việc chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh còn nhiều bất cập như: Thiếu kết nối hệ thống dọc và ngang trong cung cấp dịch vụ công nên chưa cập nhật kịp thời các thông tin về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 của ngành; Hạn chế về kinh phí cho xây dựng và số hoá cơ sở dữ liệu của ngành (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, dịch bệnh, khí tượng..); Chậm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ việc công nhận mã số vùng trồng, mã số đóng gói, các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.., chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Trên cơ sở nghiên cứu nhận thức của 230 hộ với 35 chỉ tiêu thuộc 5 nhóm tiêu chí: bản chất của chuyển đổi số, công nghệ số, dịch vụ công trực tuyến, sàn thương mại điện tử và ngân hàng điện tử, TS. Lưu Văn Duy chỉ ra rằng, những nông dân trẻ có điểm nhận thức cao hơn cũng như trình độ học vấn của nông dân có ảnh hưởng tích cực đến điểm nhận thức về chuyển đổi số. Mặt khác, so với hộ thuần nông, hộ kiêm có điểm nhận thức tốt hơn về chuyển đổi số. Đặc biệt, quy mô đất canh tác có ảnh hưởng rất quan trọng đến điểm nhận thức cũng như khả năng ứng dụng các công nghệ số trong nông nghiệp. Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện nay phần lớn nông dân đã khá thành thạo trong việc sử dụng máy tính và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, đa số nông hộ sử dụng cho hoạt động thông tin liên lạc thay vì khai thác các ứng dụng số cho sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Từ các phát hiện chính, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao nhận thức và ứng dụng chuyển đổi số của nông dân, Thái Bình bao gồm: i) Nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; ii) Xây dựng các mô hình thí điểm về chuyển đổi số và tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình để rút ra các bài học thực tiễn cho việc áp dụng các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp; iii) Thúc đẩy mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hướng trọng tâm các hỗ trợ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất quy mô lớn làm đầu kéo thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành.

Một số hình ảnh buổi seminar:

leftcenterrightdel
 TS. Lưu Văn Duy trình bày kết tóm tắt quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp
leftcenterrightdel
 Seminar có sự tham gia của đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên Khoa Kinh tế & PTNT
leftcenterrightdel
 Các giảng viên, nghiên cứu viên tham dự seminar trao đổi, chia sẻ ý kiến về nội dung bài trình bày của nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp
 

TS. Phạm Thị Thanh Thúy

Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp, Khoa Kinh tế và PTNT