Giá trị xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam năm 2023 lập kỷ lục với 5,6 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc chiếm 3,6 tỉ USD, tăng hơn 138% so với cùng kỳ năm 2022. Sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu nông sản Việt Nam những năm gần đây đã thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm vươn tới các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Úc và New Zealand. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua được những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe từ những thị trường này.

Kể từ khi thực hiện đường lối mở cửa, chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nông sản đã phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam liên tục tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta vẫn còn hạn chế. Một trong những hạn chế đó là các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua những rào cản kỹ thuật liên quan tới môi trường từ các thị trường nhập khẩu, nhất là ở các nước phát triển.

Lê Tiến Đạt và Nguyễn Thị Nguyệt Nga (2020) đã nghiên cứu về một số hàng rào kỹ thuật mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp phải trong quá trình xuất khẩu nông sản, đặc biệt là tại hai thị trường lớn là EU và Mỹ.

Hàng rào kỹ thuật đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu nông sản

Trong Hiệp định Nông nghiệp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng nông sản vốn được coi là một nhóm mặt hàng nhạy cảm trong xuất khẩu, do có khá nhiều các quy định riêng của phía nhập khẩu đưa ra cho các mặt hàng này (WTO, 2019).

Trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, hoạt động sản xuất trái cây an toàn, sử dụng công nghệ cao và có khả năng xuất khẩu ra thị trường thế giới đang được chú trọng (Bộ Công thương, 2019). Tuy nhiên, hoạt động này đã và đang gặp phải những khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước phát triển.

Theo quan điểm của WTO (2012), hàng rào kỹ thuật được biết đến dưới dạng các biện pháp phi thuế quan (Non-tariff measures - NTMs). Các biện pháp phi thuế quan có thể phục vụ mục tiêu chính sách công hợp pháp, chẳng hạn như bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, tuy nhiên, chúng cũng có thể được sử dụng cho các mục đích bảo hộ. Các NTMs giống như rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) về tiêu chuẩn hàng hóa sản xuất, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật liên quan đến an toàn thực phẩm như sức khỏe động vật/thực vật và các quy định trong nước về dịch vụ. Theo đó, các xu hướng mới nhất liên quan đến việc sử dụng các rào cản phi thuế quan như: TBT, SPS, ISO 9000, ISO 22000, HACCP, ISO 14000.

Hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc chia làm hai loại là quy định bắt buộc và các chứng nhận tự nguyện. Pascal Liu & các cộng sự (2015) cho rằng, quy định bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát nhập khẩu bao gồm:

Quy định bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát nhập khẩu

- Quy định về chất lượng thương mại và nhãn mác

- Quy định về an toàn thực phẩm

- Quy định kiểm dịch thực vật nhằm phát hiện dấu hiệu sâu hại hoặc dịch bệnh. Thường quy định này kèm theo yêu cầu chiếu xạ, nhằm diệt sâu hại như quy định của thị trường Mỹ hoặc Úc.

Các tiêu chuẩn về chứng nhận tự nguyện bền vững

Các chương trình chứng nhận tự nguyện bền vững đối với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc chia ra một số loại như sau:

- Chứng nhận hệ thống quản lý về môi trường ISO 14001

- Chứng nhận xã hội (chứng nhận về công bằng thương mại và chứng nhận hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - SA 8000)

- Chứng nhận hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000

- Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)

- Chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP - EuroGap/Global Gap) và chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP)

- Chứng nhận chất lượng thực phẩm đặc trưng (chỉ dẫn địa lý GI)

- Một số chứng nhận khác: Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000).

- Chứng nhận về môi trường bao gồm chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ

Thực trạng những hàng rào kỹ thuật của thị trường EU đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Thị trường EU luôn đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm. Đó là lý do tại sao việc sản xuất và kinh doanh nông phẩm tươi phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp cũng như những yêu cầu khác của người mua. Trong số các yêu cầu chính, nhà xuất khẩu sẽ phải áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể theo dõi sản phẩm trong trường hợp phát sinh về an toàn và khắc phục chúng. Các quy định đề cập đến hàm lượng chất phụ gia, bao bì, hóa chất, ô nhiễm nước và không khí, cạn kiệt nguồn tài nguyên không thể tái sinh…Cụ thể, đối với trái cây xuất khẩu của Việt Nam, trái cây muốn nhập khẩu vào thị trường EU phải phù hợp với các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế Codex. EU đã đưa ra quy định cụ thể về mức dư lượng tối đa (MRL) có trong và trên các loại thực phẩm nói chung và trên nhãn, vải tươi nói riêng. Các sản phẩm này nếu chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép thì sẽ bị buộc phải rút khỏi thị trường EU (Sở NN&PTNT Hà Nội, 2015).

leftcenterrightdel
 Từ tháng 2/2024, sầu riêng Việt Nam bị kiểm tra dư lượng tại cửa khẩu khi nhập vào EU

Thực trạng những hàng rào kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Với thị trường Hoa Kỳ, theo yêu cầu của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Theo đó, mọi sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gọi là các Hạn mực dư lượng tối đa (MRL). Nếu có vấn đề xảy ra về kiểm dịch hoặc an toàn thực phẩm thì cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ có khả năng truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm tới tận người trồng, nơi trồng hoặc lô hàng. Hiện nay, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA). Đạo luật này quy định chặt chẽ và kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên hàng nhập khẩu, đặc biệt với những sản phẩm rau, quả tươi không được sản xuất tại Hoa Kỳ. Điều này gây khó khăn cho các sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ (như thanh long, chôm chôm).

Hiện nay, nếu trái cây nhập khẩu vào Hoa kỳ bị phát hiện có chứa hóa chất Difenoconazole, carbendazim, iprodione, cyperme-thrin và chlorothalonil, sẽ bị từ chối cho phép nhập khẩu (Sở NN&PTNT Hà Nội, 2015). Tại thị trường Mỹ, trái cây phải được Cơ quan Kiểm dịch Mỹ (APHIS) chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn để nhập khẩu, ví dụ như: xử lý chiếu xạ, kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích sinh trưởng của cơ quan kiểm dịch Mỹ. Cũng giống như các sản phẩm nông nghiệp khác, trái cây hữu cơ cũng đang ngày càng trở thành một xu hướng ưa thích trên thị trường tiềm năng này.

Thực trạng một số khó khăn liên quan tới tiêu chuẩn kỹ thuật các DN Việt Nam phải vượt qua trong xuất khẩu nông sản

Các DN Việt Nam hiện nay đang rất mong muốn xuất khẩu được các mặt hàng nông sản của mình, nhất là tới các thị trường lớn như EU và Mỹ. Tuy nhiên, những khó khăn, rào cản đặt ra cũng vẫn còn quá lớn. Một trong những khó khăn lớn mà các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam gặp phải khi tham gia vào thị trường quốc tế chính là sự gian lận, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN xuất khẩu nông sản trên thế giới.

Đứng đằng sau sự cạnh tranh không lành mạnh đó, không đơn giản chỉ là các chiến lược cạnh tranh của DN, mà còn xuất phát cả từ những chính sách mang tầm vĩ mô, nhất là xu thế bảo hộ thương mại. Đặc biệt, rào cản kiểm định đã trở thành một trở ngại quá lớn cho các DN xuất khẩu nông sản. Đồng thời, các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra ngày càng cao và thường đột ngột thay đổi. Hơn nữa, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng không thống nhất giữa các quốc gia. Tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm, đặc biệt là các “tiêu chuẩn ngặt nghèo liên quan tới chất lượng và mẫu mã sản phẩm xuất khẩu”, là rào cản lớn với các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam. Các yêu cầu đến từ tiêu chuẩn kỹ thuật buộc DN phải “đạt chuẩn thỏa mãn yêu cầu cao từ khâu trồng trọt đến thu hoạch”, chưa kể phải luôn cập nhật thông tin để có thể đáp ứng kịp thời với những thay đổi đột ngột về tiêu chuẩn kỹ thuật.

leftcenterrightdel
 Các mặt hàng nông sản xuất khẩu phải lưu ý tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh

Trong các nỗ lực nhằm hỗ trợ cho các DN trong xuất khẩu trái cây vào thị trường EU, việc xây dựng các chương trình nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho các DN là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường hỗ trợ nông dân, DN, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu. Nhà nước cũng cần phải có các chính sách cụ thể hơn nữa để hỗ trợ cho từng loại cây chủ lực theo hướng tập trung và đặc biệt là tránh phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra cũng cần có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ DN, nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là với các mặt hàng nông - thủy sản xuất khẩu chủ lực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Tiến Đạt, Nguyễn Nguyệt Nga (2020). Một số rào cản kỹ thuật chủ yếu đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu nông sản. http://tbtagi.angiang.gov.vn/mot-so-rao-can-ky-thuat-chu-yeu-doi-voidoanh-nghiep-viet-nam-trong-xuat-khau-nong-san-9308.html
  2. Thế Hải. EU kiểm soát an toàn thực phẩm với 10% sầu riêng nhập từ Việt Nam, (2024). https://baodautu.vn/eu-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-voi-10-sau-rieng-nhap-tu-viet-nam-d207476.html
  3. Thế Hải. Siết chất lượng nông sản xuất khẩu (2024), báo đầu tư online. https://baodautu.vn/siet-chat-luong-nong-san-xuat-khau-d208210.html
  4. Tuấn Thành, (2017), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại: Một số thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam.
  5. Bộ Công thương, (2019). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018.
  6.  
  7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, (2015), Các rào cản kỹ thuật đối với trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước.
  8. Pascal Liu, FAO, (2015), Các quy định, tiêu chuẩn và chứng nhận đối với nông sản xuất khẩu.
  9. WTO, (2009), Hiệp định Nông nghiệp (Agreement on Agriculture, viết tắt là AoA).

 

Khoa Công nghệ thực phẩm