Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Trước những thách thức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng về sự suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng: “Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình này giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững bao gồm ba trụ cột: kinh tế, môi trường, xã hội”.

leftcenterrightdel
 GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam 

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để phát triển bền vững nông nghiệp bởi con người có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón thì vừa tiết kiệm được chi phí trong tiêu hủy, chôn lấp vừa tránh gây ô nhiễm môi trường.

Bà Lan khẳng định: Là trường trọng điểm quốc gia đầu ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận thức được vai trò, sứ mạng của mình trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững. Vì vậy, trong suốt 64 năm xây dựng và phát triển, các nhà khoa học của Học viện luôn tập trung trí tuệ, nghiên cứu những đề tài về xử lý chất thải trong nông nghiệp thành các sản phẩm có giá trị.

http://daibieunhandan.vn/