Ngày 17 tháng 02 năm 2024, kỷ niệm 45 năm ngày mở đầu Chiến dịch Biên giới phía Bắc, 2 ngày sau, tức ngày 19 tháng 2 năm 2024 cũng là dịp kỷ niệm tròn 45 năm ngày ra đi của Liệt sĩ Mai Văn Phóng, cựu sinh viên khóa XIII khoa Thú y.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam diễn ra trong khoảng một tháng (từ 17/2 - 18/3/1979) nhưng có ý nghỉa to lớn. Thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam với quyết tâm vượt qua mọi gian khổ để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Để giữ gìn mảnh đất của cha ông, nhân dân Việt Nam đã chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong, hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng; thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt; 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp; khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống…
Trong Chiến dịch này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng có nhiều sinh viên tham gia chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tiêu biểu có liệt sĩ Mai Văn Phóng (tức Mai Xuân Phóng). Liệt sĩ Mai Văn Phóng là sinh viên khóa XIII khoa Thú y. Năm 1979, liệt sĩ được nhà trường (lúc bấy giờ là trường Đại học Nông nghiệp I) phân lên Cao Bằng thực tập ở Trại Trâu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại xã Chu Trinh, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ngày 17/2/1979, khi quân Trung Quốc tràn sang xâm lược, anh Mai Văn Phóng đã tình nguyện xin ở lại trong đội ngũ dân quân chủ chốt của xã Chu Trinh để hỗ trợ cán bộ địa phương và Trung đoàn 346 chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Vì liệt sĩ Mai Văn Phóng đã có thời gian tham gia quân ngũ tại mặt trận Quảng Trị khốc liệt nên có kinh nghiệm trong trận mạc. Do vậy, anh cùng lực lượng dân quân đã chọn một địa hình thuận lợi để bố trí lực lượng và đạn dược. Ngày 19/2/1979 quân Trung Quốc tràn đến, chúng điên cuồng bắn phá trận địa. Do quân của chúng ngày càng đông, anh Mai Văn Phóng đã ra tín hiệu cho đồng đội rút lui, còn bản thân cầm súng chạy hướng khác để chiến đấu. Do bị bao vây bởi kẻ thù nên anh đã hy sinh.
Liệt sỹ Mai Văn Phóng là người có khí phách cách mạng cao cả, sẵn sàng hy sinh để che chắn cho đồng đội, một tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lòng nhân dân. Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và hy sinh, anh đã được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
|
Năm 2020, gia đình liệt sĩ Mai Văn Phóng đã đến Học viện gửi thư cảm ơn và tặng di vật của liệt sĩ vào Không gian truyền thống của Học viện |
Công cuộc đi tìm phần mộ liệt sĩ của gia đình cũng gặp muôn vàn khó khăn. Sau các cuộc tìm kiếm: 16 lần lên Cao Bằng, 01 lần lên Lạng Sơn, 01 lần đi Hải Phòng, 01 lần đi Bình Phước; đặc biệt, đại diện gia đình nhiều lần đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hồ sơ, với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Học viện, trực tiếp là Ban CTCT&CTSV, đến ngày 01/02/2018, phần mộ của liệt sĩ đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng khai quật, hài cốt của liệt sĩ Mai Văn Phóng đã được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cao Bằng làm lễ truy điệu và chôn cất ở đó.
Năm 2020, gia đình liệt sĩ đã đến Học viện gửi thư cảm ơn và tặng một số di vật của liệt sĩ Mai Văn Phóng để Học viện đưa vào lưu giữ trong hệ thống tư liệu truyền thống quý báu của Học viện. Qua đây, đại diện gia đình liệt sĩ gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo Học viện cùng Ban CTCT&CTSV. Chưa dừng lại đó, với sự đồng hành, động viên về tinh thần của lãnh đạo và các cá nhân liên quan của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện gia đình đã và đang tiếp tục thực hiện các chuyến đi, gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đến quá trình chiến đấu và hy sinh của anh, tiếp tục thu tập các tư liệu, củng cố hồ sơ đề xuất Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để xứng đáng với sự hy sinh của anh Mai Văn Phóng.
|
|
Gia đình liệt sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban CTCT&CTSV tại bức Phù điêu “Tiền tuyến gọi, chúng tôi sẵn sàng” (năm 2020) |
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ nói chung và liệt sĩ Mai Văn Phóng nói riêng đối với non sông đất nước là vô cùng to lớn và đáng tự hào. Các liệt sĩ đã không quản ngại máu xương, không ngại hy sinh mất mát “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” vì độc lập, vì tự do của đất nước. Các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn luôn ghi nhớ những công lao to lớn ấy, từ đó phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu để không phụ những công lao mà các thế hệ cha ông đã hy sinh chiến đấu cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam quang vinh ngày hôm nay.
Ban CTCT&CTSV