Ngày 18/9/2023, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề: “Xu hướng Blockchain 2023” do ThS. Phạm Thị Lan Anh trình bày. Nội dung của báo cáo điểm lại những bước phát triển của Blockchain qua các thế hệ và giới thiệu một số xu hướng phát triển tiếp theo của Blockchain đang và sẽ được triển khai trong năm 2023.
Buổi Seminar diễn ra với sự chủ trì của TS. Phạm Quang Dũng – Phó trưởng khoa CNTT, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp” và sự tham gia của các thành viên trong nhóm.
Mở đầu buổi seminar, chủ toạ nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trao đổi. Sau đó ThS. Phạm Thị Lan Anh đã trình bày khái quát về Xu hướng của Blockchain 2023.
Trong những năm gần đây, công nghệ Blockchain trở nên được quan tâm và phát triển ứng dụng ngày càng nhiều. Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới cho phép kết nối và phát triển các ứng dụng dựa trên công nghệ Blockchain. Blockchain là danh sách các bản ghi ngày càng tăng, được liên kết với nhau bằng mật mã và được chia sẻ bình đẳng tới các thiết bị, máy tính kết nối vào hệ thống. Dữ liệu trong Blockchain là bất biến, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ghi lại các giao dịch và theo dõi tài sản trong một mạng lưới kinh doanh. Một tài sản có thể là hữu hình (nhà, xe hơi, tiền mặt,…) hoặc vô hình (sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, thương hiệu,…). Mỗi khối (block) được tạo ra đều có chứa một hàm băm mật mã của khối trước đó cùng với dấu thời gian và dữ liệu giao dịch (thường được biểu diễn dưới dạng cây Merkle). Dấu thời gian đáng tin cậy minh chứng rằng dữ liệu giao dịch tồn tại khi khối được xuất bản để đi vào hàm băm của nó. Các khối chứa hàm băm của khối trước, tạo thành một chuỗi khối, khối sau được bổ sung vào sẽ củng cố chắc chắn hơn cho thông tin của khối trước đó. Do đó, các Blockchains có khả năng chống lại việc sửa đổi dữ liệu trong hệ thống và minh bạch thông tin do dữ liệu chia sẻ trong toàn hệ thống mạng ngang hàng. Đây được coi là một đặc trưng nổi bật của công nghệ Blockchain cho phép người dùng theo dõi được các giao dịch tài chính một cách chủ động và đáng tin cậy. Ứng dụng được biết đến nhiều nhất dựa trên công nghệ Blockchain là các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Ngoài ra, giới nghiên cứu và các nhà phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain đang mong muốn mở rộng hơn khả năng tiếp cận các bài toán thực tế từ các lĩnh vực khác nhau như truy xuất nguồn gốc, hợp đồng thông minh, chăm sóc sức khỏe. (Chi tiết về cấu trúc, phân loại, ưu điểm và ứng dụng của công nghệ Blockchain đã được trình bày tại: https://fita.vnua.edu.vn/wp-admin/post.php?post=50934&action=edit ).
|
|
ThS. Phạm Thị Lan Anh trình bày báo cáo |
Từ khi được biết đến với ứng dụng là tiền điện tử Bitcoin, Blockchain đã được đông đảo người dùng và các nhà nghiên cứu quan tâm. Mặc dù tiền thân của công nghệ lõi của tiền điện tử - Blockchain – đã được nghiên cứu từ rất sớm, nhưng chỉ khi tiền điện tử ra đời, Blockchain mới trở thành công nghệ thu hút sự đầu tư, phát triển. Từ năm 2008 cho đến nay, hàng loạt nghiên cứu phát triển cho công nghệ chuỗi khối, biến Blockchain không còn bị giới hạn chỉ ứng dụng trong ngành tài chính với tiền ảo, mà còn lan rộng và trở thành xu hướng phát triển tất yếu cho một thời đại mới số hóa mọi lĩnh vực và Internet kết nối vạn vật.
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar có nhiều thảo luận xoay quanh chủ đề. Đây là nội dung khoa học có tính mới và ứng dụng cao, góp phần nâng cao hiểu biết cũng như năng lực nghiên cứu cho các thành viên của nhóm trong thời gian tới Buổi seminar là cơ hội trao đổi học thuật, cập nhật, cung cấp thêm nhiều kiến thức mới về các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Kết quả thảo luận của buổi seminar làm cơ sở để định hướng, xác định chiến lược khoa học công nghệ của Khoa Công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Khoa Công nghệ thông tin