Nằm trong chuỗi các sự kiện triển lãm, hội nghị khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA 2025, ngày 11/5/2025, khoa Cơ - Điện cùng các nhóm nghiên cứu mạnh: Máy và Thiết bị nông nghiệp, Công nghệ bán dẫn và Thiết bị tự động hóa phối kết hợp tổ chức hội thảo: “Cơ điện nông nghiệp trong kỷ nguyên số”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Trường - Trưởng khoa Cơ - Điện nhấn mạnh vai trò và ứng dụng các công nghệ mới của kỷ nguyên số vào trong cuộc sống nói chung cũng như trong sản xuất nông nghiệp thông minh nói riêng nhằm đưa ra được các giải pháp hiệu quả. Qua đây, cũng thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Trường hy vọng kết quả của Hội thảo sẽ truyền cảm hứng, động lực nghiên cứu khoa học cho toàn thể cán bộ, sinh viên trong Khoa, đáp ứng nhu cầu của phát triển nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên số. Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiên - Phó Trưởng khoa Cơ - Điện đã tổng kết hoạt động KHCN trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp giai đoạn 2024-2025 của Khoa và định hướng hoạt động các năm tiếp theo.
    |
 |
TS. Nguyễn Xuân Trường phát biểu khai mạc Hội thảo |
Các kết quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu của hai nhóm nghiên cứu mạnh, các thầy cô trong khoa và các nhóm nghiên cứu khoa học sinh viên đã được trình bày tại Hội thảo. Bao gồm:
- “Tổng quan về công nghệ thu và tích trữ năng lượng từ sóng vô tuyến RF cho các thiết bị IoT phục vụ trong nông nghiệp thông minh” của TS. Nguyễn Thái Học - Trưởng nhóm NCM: Công nghệ bán dẫn và Thiết bị tự động hóa;
- “Nghiên cứu ảnh hưởng của một số thông số đến chất lượng của khoai lang nướng” của ThS. Lương Thị Minh Châu - thành viên nhóm NCM: Máy và Thiết bị nông nghiệp;
- “Hệ thống lưới điện siêu nhỏ Microgrid cho tòa nhà thông minh” của ThS. Phạm Thị Lan Hương - thành viên nhóm NCM: Công nghệ bán dẫn và Thiết bị tự động hóa;
- “Nghiên cứu triển khai hệ thống ứng dụng Yolov8 cải tiến cho phát hiện bệnh trên cây lúa” của ThS. Ngô Phương Thủy - giảng viên khoa Cơ - Điện;
- “Agricultural Robot” của SV. Ngô Văn Sáng - K68DKTDHB, đại diện cho nhóm nghiên cứu, thành viên CLB Robot và Công nghệ;
- “Mô hình kinh doanh trạm rửa xe tự động tại các trường đại học ở Việt Nam” của SV. Lê Anh Tuấn - K66CNOTOB, đại diện nhóm nghiên cứu.
Các báo cáo đều nhận được sự quan tâm, trao đổi sôi nổi của các nhà khoa học, các thầy cô giáo và các em sinh viên. Các ý kiến đều cho rằng các hướng nghiên cứu của các tác giả đã cập nhật kịp thời những công nghệ mới trong kỳ nguyên số, là những giải pháp hữu ích trong thực tế. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, để có thể ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Các nghiên cứu cần có sự phối, kết hợp giữa các nhà khoa học, các giảng viên, các nhóm nghiên cứu và thành phần tham gia không thể thiếu là các sinh viên đam mê khoa học để sản phẩm có tính ứng dụng cao, đáp ứng yêu cầu trong thời đại kỷ nguyên số.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Trường đã thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn các ý kiến thảo luận, trao đổi, phản biện của các đại biểu, các nhà khoa học, sinh viên tham dự. Đồng thời nhấn mạnh, những ý kiến thảo luận tại Hội thảo đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào nông nghiệp trong kỷ nguyên số ở Việt Nam hiện nay. Hy vọng sau buổi Hội thảo sẽ có nhiều ý tưởng mới, nhiều công trình khoa học mới được triển khai, thực hiện với sự kết hợp của nhiều ngành, nhiều bộ môn trong và ngoài Khoa để từng bước đưa cơ điện nông nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong thời đại số.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Nhóm NCM. Công nghệ bán dẫn và Thiết bị tự động hóa