Cuộc gặp với đại biểu Quốc hội, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam diễn ra vào chiều muộn khi bà vừa kết thúc cuộc họp về đề án phát triển nhóm nghiên cứu “tinh hoa” của trường. “Chúng tôi kỳ vọng đột phá này sẽ giúp khẳng định vị thế của Học viện, đồng thời nhanh chóng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào phục vụ nông dân, doanh nghiệp. Như vậy, cùng với chiến lược đào tạo “tinh hoa” hơn, chúng tôi hướng tới những giá trị cốt lõi và lâu dài để nông dân có thu nhập cao hơn, ngành nông nghiệp phát triển hơn, đất nước giàu có hơn”, GS.TS. Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Hình thành nhóm nghiên cứu “tinh hoa”

- Bà kỳ vọng gì vào Đề án phát triển nhóm nghiên cứu “tinh hoa” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam?

leftcenterrightdel
 

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Sinh năm 1974, bà là cá nhân trẻ tuổi nhất từng được nhận Giải thưởng Kovalevskaia (năm 2018).

GS.TS Nguyễn Thị Lan đã công bố hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế cùng nhiều sản phẩm được chuyển giao, ứng dụng trong nông nghiệp. Bà cùng các đồng nghiệp đã có nhiều đóng góp cho công tác chẩn đoán bệnh và sản xuất vacine cho vật nuôi, tạo ra chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi…; ngoài ra, còn góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp, chuyển giao được nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ giúp người dân ổn định và làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp.

- Không phải bây giờ mà từ trước tới nay Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn xác định nghiên cứu khoa học là “sức sống” của nhà trường. Đảng, Nhà nước cũng chủ trương đưa hàm lượng khoa học vào trong sản phẩm nông nghiệp nói riêng và các sản phẩm khác nói chung. Do đó chúng tôi đang thúc đẩy nâng cao năng lực của các nhà khoa học để những kết quả nghiên cứu gắn với thực tiễn tốt hơn, có thể thương mại hóa nhằm phục vụ nông dân và doanh nghiệp.

Chúng tôi đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc hình thành những nhóm nghiên cứu có thể coi là “tinh hoa” là giải pháp tôi tâm đắc và kỳ vọng nhất. Chúng tôi hiện đã có 50 nhóm nghiên cứu mạnh, đây là nòng cốt để xây dựng các nhóm nghiên cứu “tinh hoa”.

- Nhóm nghiên cứu này sẽ làm những gì, thưa bà?   

- Quan điểm của Học viện là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới đến giá trị cốt lõi cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, ngoài những bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín để khẳng định vị trí xếp hạng của Học viện, chúng tôi rất chú trọng nghiên cứu ứng dụng, các sản phẩm là những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, các sản phẩm có thể thương mại hóa để phục vụ nông dân và doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu “tinh hoa” sẽ tập trung vào cả 2 sản phẩm này.

- Làm thế nào để hình thành những nhóm nghiên cứu như vậy?

- Chúng tôi có chế độ đãi ngộ rất tốt, có thể nói là đột phá! Chẳng hạn, một giảng viên thu nhập trung bình 10 - 14 triệu đồng/tháng thì Học viện có thể trả 30 - 40 triệu đồng/tháng cho những người tham gia nhóm này. Học viện cũng ưu tiên sắp xếp để họ giảm bớt thời gian giảng dạy. Là người đam mê nghiên cứu khoa học, sau này mới làm quản lý, tôi hiểu rằng nếu giảng viên phải bảo đảm số giờ giảng dạy và các hoạt động khác theo quy định họ sẽ không có động lực và dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học nữa.

Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi có thể cấp cho nhóm một khoản kinh phí để triển khai các ý tưởng nghiên cứu trong lúc chưa đấu thầu được đề tài khoa học, chưa chuyển giao, chưa thương mại hóa được sản phẩm nghiên cứu; đồng thời ưu tiên cho nhóm về phòng thí nghiệm và các điều kiện khác.

Tất nhiên yêu cầu của Học viện với nhóm này cũng rất cao, ví dụ mỗi năm phải có ít nhất 8 công bố quốc tế, có 4 đề tài nghiên cứu cấp bộ và tương đương trở lên… Chúng tôi kỳ vọng có khoảng 10 nhóm nghiên cứu như vậy. Đây sẽ là những con chim đầu đàn dẫn dắt các nhà khoa học và lan tỏa, truyền lửa say mê nghiên cứu, tạo nên phong trào, động lực nghiên cứu khoa học trong Học viện.

Xây dựng công ty spin-off

- Vấn đề là làm sao những kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, có thể thương mại hóa để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Trên cương vị nhà quản lý, bà giải bài toán này như thế nào?

- Về lý thuyết, trường đại học khi nghiên cứu phải có địa chỉ ứng dụng, phải có nơi thử nghiệm sản phẩm, nghĩa là phải gắn với thực tiễn, với địa phương, doanh nghiệp. Trong thực tiễn, Đại học KU Leuven - được xếp hạng đổi mới sáng tạo số một châu Âu - có 150 doanh nghiệp khởi nghiệp, mỗi năm chuyển giao 2.000 hợp đồng khoa học công nghệ. Hay tại Hà Lan, nơi có nền nông nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới, Đại học Wageningen được xem là xương sống, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và hình thành các khu đổi mới sáng tạo.

Không nằm ngoài quy luật đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng những trung tâm sáng tạo, ươm tạo công nghệ; phát triển các công ty khởi nghiệp theo mô hình spin-off; đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên và hỗ trợ các em khởi nghiệp… Spin-off là công ty phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ của nhà nghiên cứu và bán ra thị trường. Chúng tôi muốn các nhà khoa học khi bắt tay nghiên cứu phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ nhu cầu của thị trường, phải nghĩ đến những đóng góp tiếp theo chứ không phải nghiên cứu xong rồi dừng lại ở đó.

Để tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thời gian qua chúng tôi chủ trương đào tạo “tinh” hơn. Cụ thể là đa dạng hóa chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế, tăng cường thời gian thực hành của các học phần lên tới 30%. Đặc biệt, Học viện đã hợp tác với gần 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập thực tế cho sinh viên.

- Bà và Ban Giám đốc, lãnh đạo Học viện mong muốn xây dựng Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành một ngôi trường như thế nào?

- Chúng tôi muốn phát triển Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo của đất nước, của khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn và khoa học công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo theo mô hình tiên tiến trên thế giới, đó là đại học nghiên cứu đa ngành, đa phân hiệu, tự chủ hoàn toàn, hiện đại. Cùng với đó, thu hút được sinh viên giỏi, sinh viên quốc tế, các nhà khoa học quốc tế đến học tập, nghiên cứu; thu hút nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, đầu tư nghiên cứu khoa học.

“Tôi hạnh phúc với công việc đã chọn”

- Vai trò đại biểu Quốc hội giúp ích gì cho bà trong việc quản lý, điều hành Học viện?

- Là đại biểu Quốc hội, tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức, giúp tôi có tầm nhìn vĩ mô với sự phát triển KT - XH của đất nước, đồng thời giúp tôi có thêm động lực để tạo ra những đột phá trong quản lý. Ngược lại, thực tiễn điều hành Học viện, tiếp xúc với người dân cũng giúp tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ đại biểu; phản ánh được những khó khăn, vướng mắc ở tầng vi mô trong lĩnh vực của mình tới Quốc hội, từ đó có những đề xuất chính sách cần thiết.

Hơn 20 năm nay tôi gắn bó với nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có 5 năm trải nghiệm môi trường nghiên cứu và đào tạo tiên tiến ở Nhật Bản. Nhờ đó, khi làm Giám đốc Học viện tôi rất hiểu tâm tư, mong muốn và những khó khăn của người làm khoa học nên đã đưa ra các chính sách vừa tạo động lực, vừa khuyến khích họ tập trung nghiên cứu. Tôi cũng đặc biệt thích sinh viên của mình say mê nghiên cứu khoa học, dù công việc bận rộn tôi thường cố gắng thu xếp hỗ trợ các em.

- Theo bà, khó khăn lớn nhất của phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học là gì?

- Tôi nghĩ đó là làm sao cân bằng trong cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình, công việc và các mối quan hệ khác. Phụ nữ làm nghiên cứu khoa học và quản lý có lúc phải từ bỏ một số sở thích cá nhân nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc và yêu thích công việc mình đã lựa chọn.

- Xin cảm ơn bà!

H.Loan - Q.Khánh thực hiện