Sáng ngày 13/9, Nhóm NCM Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ – Khoa DL&NN tổ chức seminar với chủ đề “Chia sẻ kỹ năng xây dựng thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh” do TS. Hồ Ngọc Ninh – Trưởng nhóm NCM trình bày. Buổi seminar có sự tham dự của các thành viên nhóm NCM, các giảng viên của Khoa DL&NN.
Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Thuyết minh rõ ràng và chính xác giúp cho các nhà nghiên cứu có thể đánh giá trình bày ý tưởng nghiên cứu một cách mạch lạc và thu hút. Thuyết minh còn là bước quan trọng để xác định sự khác biệt và giá trị của đề tài so với các đề tài nghiên cứu khác. Việc thực hiện thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học đúng cách sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thể đạt được kết quả tốt trong quá trình thực hiện và công bố nghiên cứu của mình. Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt sẽ trở thành văn bản pháp lý quan trọng để quản lý đề tài (theo dõi thực hiện, kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu) trong quá trình thực hiện đến khi đề tài kết thúc.
|
|
TS. Hồ Ngọc Ninh trong bài trình bày seminar |
Theo TS. Hồ Ngọc Ninh, để xây dựng được thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học tốt thì thuyết minh cần được trình bày một cách có hệ thống và nêu bật những vấn đề cơ bản sau:
– Tính cấp thiết của đề tài, cần làm rõ lý do chọn đề tài nghiên cứu.
– Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Phải nêu rõ mục đích của đề tài nghiên cứu là gì, vấn đề nghiên cứu là gì, tầm quan trọng của đề tài và ý nghĩa của đề tài đối với khoa học và thực tiễn địa phương/địa điểm nghiên cứu.
– Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Nêu rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu, bao gồm phạm vi địa lý, thời gian, nội dung và đối tượng nghiên cứu.
– Phương pháp nghiên cứu: Nêu rõ phương pháp nghiên cứu, những phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu, phương pháp xử lý và phân tích số liệu, độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.
– Nội dung thực hiện: đây là phần quan trọng của thuyết minh, nội dung nghiên cứu cần phù hợp vối mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu. Nội dung triển khai giải quyết được vấn đề có tính thực tiễn cao, phù hợp với phạm vi nghiên cứu, địa điểm ứng dụng…
– Kết quả dự kiến: Nhà khoa học cần phải nêu rõ những kết quả dự kiến của đề tài nghiên cứu, với mục đích giải quyết vấn đề đã đề ra và đưa ra các giải pháp hữu hiệu.
– Sản phẩm đề tài cơ bản có những sản phẩm sau: báo cáo tổng kết đề tài, các sản phẩm báo cáo chuyên đề trung gian, mô hình đề tài, bài báo khoa học… các sản phẩm được xây dựng có tính logic và khoa học.
TS. Hồ Ngọc Ninh đã lấy ví dụ từ thuyết minh đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” do thầy làm chủ nhiệm. Những chia sẻ hữu ích, có giá trị của TS. Hồ Ngọc Ninh nhận được sự phản hồi tích cực, đồng thời giúp cho các giảng viên, nghiên cứu viên của Khoa DL&NN có thêm những kiến thức hữu ích để phục vụ quá trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao cộng nghệ trong tương lai./.
Nhóm NCM Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ – Khoa DL&NN