Mycoplasma hyorhinis (M. hyorhinis) gây bệnh thấp khớp hay viêm khớp trên lợn ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là lợn sau cai sữa từ 3 – 10 tuần tuổi, lợn nái hậu bị và lợn đực với biểu hiện sưng khớp, đi khập khiễng, bị què, ngồi bệt hai chân sau như kiểu chó ngồi. Bệnh tích điển hình của lợn nhiễm M. hyorhinis là viêm phủ fibrin kín toàn bộ bề mặt tim, viêm phổi, bên trong khớp có dịch viêm, viêm fibrin đa xoang và có thể gây nhiễm trùng toàn thân. Trong chẩn đoán lâm sàng, bệnh thấp khớp do M. hyorhinis thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh tích điển hình trên lợn mắc bệnh do vi khuẩn Haemophilus parasuis và Streptococcus suis.
Hình ảnh bệnh tích điển hình ở lợn nhiễm M. hyorhinis
(A) Khớp sưng to; (B) Phổi nhục hóa, đối xứng ở thùy đỉnh;
(C) (D) Tim phủ màng fibrin
Ở nước ta trong những năm gần đây, M. hyorhinis gây bệnh phổ biến hơn so với trước đây với các biểu hiện triệu trứng lâm sàng, bệnh tích điển hình. Tuy nhiên, nghiên cứu M. hyorhinis ở Việt Nam chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều, trong khi đó theo khảo sát sơ bộ của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y cũng như các báo cáo trên thế giới cho rằng, tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis đạt ở mức cao và thường nhiễm ghép Mycoplasma hyopneumonia (M. hyopneumonia) sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, việc điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả và tỷ lệ tử vong rất cao, gây những thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
M. hyorhinis được coi là một trong những mần bệnh khó phân lập và yêu cầu môi trường nuôi cấy phức tạp. Vì vậy, kỹ thuật sinh học phân tử PCR với độ đặc hiệu, chính xác và tin cậy cao đã được sử dụng để xác định sự có mặt của M. hyorhinis trên đàn lợn. Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis ở lợn nghi mắc bệnh tại 3 huyện ở tỉnh Hưng Yên tương đối cao chiếm tỷ lệ 26,92%, trong đó tỷ lệ nhiễm cao nhất được ghi nhận ở Khoái Châu với 31,82%, tiếp đến là Văn Giang với 25,00% và thấp nhất ở Yên Mỹ với 21,43%. Tỷ lệ nhiễm M. hyorhinis trên lợn ở 5 – 10 tuần tuổi là cao nhất 29,41% và gần tương đương lợn >10 tuần tuổi 28,57%, lợn <5 tuần tuổi tỷ lệ nhiễm thấp nhất 21,43%. Kết quả kiểm tra sự đồng nhiễm M. hyopneumoniae bằng phương pháp PCR từ 14 mẫu dương tính M. hyorhinis với M. hyopneumoniae cho thấy tỷ lệ nhiễm cao với 28,57%. Đây cũng là công bố đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam về việc đồng nhiễm M. hyorhinis và M. hyopneumoniae trên lợn qua đó cho thấy sự khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh Mycoplasma trên lợn khi chưa có vắc-xin phòng bệnh do M. hyorhinis gây ra.
Kết quả nghiên cứu sẽ là tiền đề cơ bản để triển khai các nghiên cứu sâu rộng hơn, xây dựng và tối ưu quy trình phân lập M. hyorhinis để nghiên cứu đánh giá mức độ mẫn cảm kháng sinh từ đó lựa chọn được các kháng sinh phù hợp giúp điều trị bệnh hiệu quả, và lựa chọn chủng M. hyorhinis đại diện phục vụ nghiên cứu, chế tạo các chủng giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng bệnh. Từ đó, xây dựng và đưa ra các biện pháp chẩn đoán, phòng ngừa, kiểm soát bệnh hiệu quả cao giúp giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trương Quang Lâm - khoa Thú y
Ban Khoa học và Công nghệ