Câu chuyện của những nhà khoa học nữ đầy đam mê, đầy trí tuệ luôn có sức hút đặc biệt với bất kỳ ai. Được xã hội tôn vinh không phải là mục tiêu của họ nhưng nhìn vào thành quả họ đạt được sẽ thấy thực sự nể phục và ngưỡng mộ. Như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Khoa học cơ bản không phải học xong là có công trình ứng dụng ngay mà phải có thời gian, thực tế nên không thể nóng vội; phải có đam mê, có lòng quyết tâm theo đuổi mục tiêu và có khi phải mất đến cả chục năm miệt mài nghiên cứu; nhưng khi đạt được rồi thì đó là thành công rất lớn…Phụ nữ không phải là phái yếu trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả lĩnh vực khoa học tự nhiên…”.
Vậy khó khăn của phụ nữ làm khoa học là gì? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Thị Hà, Trưởng bộ môn Công nghệ môi trường, khoa Môi trường, ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết: “Những người làm khoa học nói chung đều gặp cùng một khó khăn đó là dù đã được Nhà nước chú trọng đầu tư nhưng cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho nghiên cứu khoa học ở nước ta còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của nghiên cứu. Bên cạnh đó, phụ nữ làm khoa học còn thêm một áp lực và khó khăn nữa, đó là làm sao để vừa nghiên cứu, vừa chăm lo gia đình; con cái lại còn phải “giữ chồng”. Những khó khăn đó khiến chị em càng phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn và sắp xếp công việc, thời gian sao cho hợp lý để vẹn toàn được tất cả”.
|
Các nhà khoa học nữ trong cuộc giao lưu, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn đặc thù của nữ giới cũng như nhà khoa học nữ trên chặng đường làm khoa học. Ảnh: N.P
|
Cùng quan điểm đó, GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, thời điểm nhận được quyết định sang Nhật làm nghiên cứu sinh là khi chị đã có gia đình và con nhỏ. Đam mê khoa học thì luôn tràn đầy, khát khao được học tập, được nghiên cứu luôn cháy bỏng, tuy vậy còn gia đình và con cái nên sự chọn lựa lúc đó quả thực khó khăn. Nhưng rồi, qua những đấu tranh, những trăn trở thì lòng quyết tâm chinh phục tri thức đã biến thành nghị lực và sức mạnh để chị lên đường đi du học. Suốt 5 năm ở nước ngoài, nỗi nhớ nhà, nhớ con luôn khắc khoải, canh cánh trong lòng nhưng chị luôn động viên mình phải vững vàng để có kết quả tốt nhất trong ngày trở về. Và chị đã chiến thắng được bản thân và hoàn cảnh. Để ngày hôm nay, dù đảm nhận nhiều vị trí quan trọng khác nhau song chị vẫn giữ trọn niềm đam mê với khoa học, với nghiên cứu.
Với tư cách vừa là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và vừa là một người từng có những năm tháng miệt mài với nghiên cứu khoa học, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Nhà khoa học nữ có những đặc thù rất riêng, đó là nếu những người đàn ông làm khoa học, khi xách vali lên đường đi nghiên cứu thì bước chân các anh sẽ thảnh thơi, nhẹ nhàng hơn nhưng đối với chị em phụ nữ, bước chân sẽ bị níu lại bởi những lo toan cho chồng, cho con và bao việc khác nữa mà chỉ có chị em phụ nữ mới thực sự hiểu được”.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng từng chân tình kể về con đường nghiên cứu khoa học của mình như sau: “Vừa đọc tài liệu, vừa viết luận án, vừa chăm con nên thời gian tôi tập trung vào đọc và viết là sau 23g hàng ngày. Đứa con nhỏ có thói quen ngủ không thể thiếu hơi mẹ nên tôi lựa chọn giải pháp là khẽ đặt con xuống giường, chân để sát người con để con có cảm giác đang bên cạnh mẹ; thậm chí tôi không dám bật đèn, gõ máy tính nhẹ nhất có thể vì sợ ánh sáng và tiếng gõ bàn phím làm con giật mình, tỉnh giấc… Khó khăn là vậy nhưng rồi tất cả cũng qua…”.
Lắng nghe lời tâm sự rất đời thường của những người phụ nữ làm khoa học lại càng cảm nhận rõ hơn nghị lực phi thường, tinh thần bền bỉ trong khoa học và niềm đam mê bất tận của họ trong việc chinh phục những đỉnh cao tri thức. Và bằng sự dịu dàng nhất, lòng biết ơn sâu sắc nhất của mình, những người phụ nữ đó đều cho rằng thành công có được của họ ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì còn có sự đồng hành, ủng hộ, cảm thông, chia sẻ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là một nửa yêu thương của mình; do vậy, thành công đó không chỉ là của riêng họ và còn là của những người thân yêu, gần gũi ở xung quanh…