Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) hay còn được gọi là bệnh Da sần, là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên trâu bò. Bệnh có tỷ lệ mắc cao (3 - 85%), tỷ lệ tử vong <10% và bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) xếp loại vào danh sách những bệnh đáng chú ý. Bệnh gây ra các triệu chứng đặc trưng là xuất hiện các nốt sần trên da ở các bộ phận (da đầu, da cổ, da bụng, vùng vú), ngoài ra, những trâu bò bị nhiễm bệnh còn có biểu hiện như sốt phát ban, các hạch lympho nông sưng to, chảy nước mũi và mắt. Các loài động vật chân đốt được xem là vector truyền bệnh. Bệnh gây thiệt hại kinh tế cao do việc hạn chế buôn bán gia súc và sản phẩm từ gia súc bị nhiễm bệnh, giảm sự tăng trưởng, gây tổn thương nghiêm trọng cho da, làm giảm khả năng sản xuất sữa trên bò sữa và gây vô sinh.
Giữa tháng 10/2020, theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh VDNC đã xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam tại hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Ngay lập tức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra công điện khẩn tới các tỉnh chỉ đạo việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu bò. Hiện nay, trên thế giới việc kiểm soát và phòng chống bệnh VDNC chủ yếu dựa vào việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc. Do bệnh VDNC là bệnh mới nổi trên đàn trâu bò ở Việt Nam, vì vậy các nghiên cứu về bệnh cũng như chủng virus gây bệnh còn nhiều hạn chế và chưa được triển khai. Những thông tin khoa học về các đặc tính sinh học và sinh học phân tử các chủng virus đã và đang lưu hành trên đàn trâu bò tại Việt Nam là vô cùng quan trọng, giúp định hướng lựa chọn vắc-xin thích hợp để tiêm phòng cho đàn gia súc.
Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu trên, nhóm nghiên cứu tinh hoa Vacxin và Chế phẩm sinh học do PGS.TS. Lê Văn Phan phụ trách đã đề xuất thực hiện đề tài trọng điểm cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tên đề tài là “Nghiên cứu phân lập và xác định một số đặc điểm sinh học, sinh học phân tử của virus gây bệnh viêm da nổi cục (Lumpy skin disease) trên bò tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam”. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 09/2021 đến tháng 9/2023. Mục tiêu của đề tài là phân lập và xác định được một số đặc điểm sinh học và sinh học phân tử của các chủng virus gây bệnh VDNC trên bò tại một số tính phía Bắc Việt Nam.
Sau 2 năm triển khai đề tài thì nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết qủa nổi bật như đã phân lập thành công chủng virus gây bệnh VDNC từ thực địa. Chủng virus phân lập được sẽ là nguồn nguyên vật liệu quan trọng cho các nghiên cứu khác như nghiên cứu phát triển các kit chẩn đoán nhanh, các chế phẩm sinh học và vắc-xin phòng trị bệnh hiệu quả. Ngoài ra nhóm nghiên cứu cũng đã giải trình tự thành công một số gen của virus VDNC phân lập được tại Việt Nam và các trình tự gen thu được đã được công bố trên ngân hàng gen quốc tế (GenBank) với mã số truy cập GenBank: OK258097-OK258136. Kết quả đạt được của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Thông tin khoa học thu được của nghiên cứu này về các đặc tính sinh học và sinh học phân tử của các chủng virus đang lưu hành ngoài thực địa cũng có ý nghĩa khoa học quan trọng, giúp định hướng lựa chọn được vắc-xin phòng bệnh phù hợp.
Một phần kết quả nghiên cứu thu được của đề tài đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín là Archives of Virology (Link bài báo https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35831756/).
|
|
Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu đề tài |
Đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp Học viện. Kết quả nghiên cứu được Hội đồng đánh giá đạt xếp loại Tốt.
PGS.TS. Lê Văn Phan – Khoa Thú y
Ban Khoa học và Công nghệ