Ngày 25/6/2020, tại thành phố Sơn La, Nhóm NCM “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” tổ chức Hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh năm 2019: Nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2025”. Đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, thạc sĩ Nguyễn Đăng Học làm chủ nhiệm. Tham dự Hội thảo có đại diện Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Sơn La, Trung tâm Giống cây trồng Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La và các thành viên của nhóm NCM.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo 
 

Theo báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu, Sơn La có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 360.000ha, cùng nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nhân lực để phát triển vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc thuộc địa bàn tỉnh. Nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như kỹ thuật ghép cải tạo vườn cây ăn quả, công nghệ tưới tiết kiệm và phân bón, công nghệ vi sinh, enzyme, công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng... được áp dụng vào sản xuất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năm 2019, diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt trên 70.000ha, sản lượng quả đạt gần 280.000 tấn, giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 1.428,547 tỷ đồng. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép; xoài ghép; nhãn ghép… Tỉnh được cấp 119 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, trong đó, có 68 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với; 51 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ...  Qua đó đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, có giá trị hàng hóa lớn như: nhãn (huyện Sông Mã); xoài (huyện Yên Châu), mận hậu (huyện Mộc Châu)… Kết quả nghiên cứu đề tài cũng chỉ ra, việc thực hiện Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc vừa đảm bảo mang lại thu nhập cao cho người dân, vừa góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và giảm xói mòn, sạt lở đất, góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, thu nhập từ trồng cây ăn quả cao hơn nhiều lần so với các cây lương thực trước đây được canh tác trên đất dốc như ngô nương, lúa nương, sắn; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của tỉnh giảm 12%, số HTX trồng cây ăn quả tăng 6,96 lần, số xã được công nhận xã nông thôn mới là 41 xã, tăng 40 xã so với năm 2015; độ che phủ rừng đạt trên 44%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn một số vấn đề: Các hộ gia đình triển khai một cách ồ ạt và không theo quy hoạch; mỗi hộ gia đình trồng nhiều loại cây khác nhau; sản xuất còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp; công tác quản lý giống và thuốc BVTV còn thiếu chặt chẽ; tỷ lệ diện tích được cấp giất chứng nhận VietGap, Global Gap và Gap khác còn thấp…

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã được nghe các đại biểu tham gia thảo luận về hiệu quả, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016 - 2020; nhận diện, đánh giá các rủi ro tiềm tàng của Chương trình và một số đề xuất để thực hiện hiệu quả Chương trình đến năm 2025. Đây là những góp ý quan trọng và gợi mở để nhóm nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các báo cáo khoa học theo đúng thuyết minh đề tài đã được phê duyệt.

Nhóm NCM “Hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp”