Tiếp bước thành công trong việc ươm tạo giống hoa lan huệ cánh kép, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiếp tục ươm tạo thành công giống ngô nếp tím giàu anthocyanin đầu tiên tại Việt Nam.

Ngô nếp tím (Zea mays L. var. ceratina) ngày càng được nghiên cứu sâu hơn về các đặc tính chức năng và trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây. Mặc dù ngô nếp tím đã được sử dụng cách đây hàng trăm năm tại Nam Mỹ, tuy nhiên hiện nay nó mới được phổ biến trên toàn cầu do màu sắc và đặc tính tiềm năng nâng cao sức khoẻ con người. Hiện nay có hơn 20 hợp chất phenol sinh học, bao gồm các axit phenolic, anthocyanin và các flavonoid khác đã được tìm thấy trong ngô nếp tím. Các hoạt chất này có khả năng chống oxy hóa cao, và có tiềm năng hoạt động kháng ung thư, ngăn chặn bệnh tim mạch, chống béo phì, bệnh tiểu đường và khả năng kháng viêm nhiễm. Mục tiêu của các nhà tạo giống ngô luôn là nâng cao năng suất, nhưng khía cạnh cải tiến chất lượng cuộc sống thông qua tăng lượng thành phần hoạt chất sinh học, đặc biệt là chất anthocyanin trong lượng thực thực phẩm có hàm lượng cao cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy nghiên cứu chọn giống ngô nếp tím có chất lượng và giàu chất anthocyanin đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trong những năm gần đây.

Hầu hết các giống ngô nếp tím ở các nước Châu Á và Việt Nam đều là các giống thụ phấn tự do (OPVs) và được nhập nội từ các nước khác. Năng suất hạt của các giống ngô OPVs này thường thấp hơn các giống ngô khác do có bắp và hạt nhỏ. Do vậy, cải tiến các giống ngô OPVs cùng với chọn lọc từ nguồn gen địa phương và ngoại lai sẽ là nền tảng cho sự phát triển ngô nếp tím ưu thế lai có năng suất và giá trị kinh tế cao. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, các giống ngô nếp tím nhập nội qua nhiều năm phát triển trong sản xuất, với sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu đã biểu hiện một số nhược điểm như: suy giảm khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh hại, xuất hiện các hiện tượng bắp không hạt hoặc kết hạt ít, bắp chìa và không có bắp. Hơn nữa, các giống nếp lai chủ yếu được nhập nội từ nước ngoài nên giá thành hạt giống rất cao, chất lượng giống chưa được cải thiện, gây khó khăn cho việc lựa chọn cơ cấu giống để đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất. 

Để góp phần chọn tạo ra các giống ngô nếp tím lai năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về giống ngô nếp lai trong nước, giảm giá thành hạt giống nâng cao hiệu quả sản xuất của người nông dân, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã chọn tạo ra tổ hợp ngô nếp tím VNUA 141 từ các nguồn gen trong nước và nhập nội. 

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đăng ký Khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia tại các tỉnh phía Bắc đối với tổ hợp ngô nếp tím lai VNUA 141 trong năm 2015-2016. Thời gian và địa điểm khảo nghiệm như sau:

- Khảo nghiệm cơ bản: trong 3 vụ Xuân 2015, Đông 2015 và Xuân 2016, thực hiện bởi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia tại 5 điểm:

 

  • Trạm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Từ Liêm, Hà Nội;
  • Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương;
  • Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư Thái Bình;
  • Trung tâm NCƯD KHKT GCT NN Thanh Hóa;
  • Trạm Giống cây trồng công nghệ cao, Trung tâm giống cây trồng Nghệ An.
- Khảo nghiệm DUS: trong 2 vụ Xuân 2015 và Xuân 2016 tại Trạm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Từ Liêm, Hà Nội.

Qua các kết quả đánh giá của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc Gia cho thấy: giống VNUA 141 là giống ngô nếp lai mới được chọn tạo trong nước, có sự khác biệt rõ ràng, chắc chắn với các giống được biết đến rộng rãi, có tính đồng nhất và ổn định. Giống VNUA 141 cho thu hoạch bắp tươi từ 85-86 ngày (vụ Xuân) và 70 ngày (vụ Đông), chiều cao cây trung bình (143,1-164,5 cm). Giống VNUA 141 có khả năng chống đổ rễ, bệnh khô vằn, đốm lá lớn và đốm lá nhỏ tốt hơn so với HN88. Giống VNUA 141 có màu sắc hạt bắp luộc tím đậm, chiều dài bắp 14,4-16,2 cm, đường kính bắp 4,3-4,6 cm và tỷ lệ hạt trên bắp 70,4-77,2%, cao hơn so với HN88 trong vụ Đông 2015 và Xuân 2016. Năng suất bắp tươi của giống VNUA 141 trong vụ Xuân là 93,44-94,62 tạ/ha và vụ Đông là 84,63 tạ/ha.

Giống ngô nếp tím VNUA 141 do Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng chọn tạo, có năng suất, chất lượng và hàm lượng anthocyanin cao. Do vậy có thể chủ động trong sản xuất hạt lai, cạnh tranh được với các giống ngô tím nhập nội trên thị trường về giá thành hạt giống (giá hạt giống chọn tạo trong nước thấp hơn so với giống nhập nội khoảng 50-60%) đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất, đa dạng hóa bộ giống ngô nếp tại Việt Nam.
 

Hiện nay giống ngô nếp tím VNUA 141 đã được Cục Trồng trọt ban hành quyết định công nhận sản xuất thử vào ngày 12/02/2018. Có thể nói đây là giống ngô nếp tím giàu anthocyanin chọn tạo thành công đầu tiên tại Việt Nam.