PGS.TS. Trần Trọng Phương Đảng ủy viên, Trưởng khoa TN&MT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nhu cầu nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0)
Cách mạng công nghiệp 4.0 được đề xuất tại nước Đức vào năm 2013 với đặc trưng dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa toàn bộ quy trình, kiểm soát hiệu quả tất cả các công đoạn sản xuất và yếu tố cấu thành dựa trên tự động hóa, thu thập dữ liệu, kết nối Internet vạn vật và phân tích dữ liệu lớn.
Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất… là xu hướng tất yếu thay đổi nhận thức của toàn xã hội về đào tạo nhân lực mang tính toàn diện; đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thay đổi phương thức, quy trình sản xuất; thay đổi quy trình cung ứng, dịch vụ; thay đổi nội dung, phương thức đào tạo; thay đổi cơ chế chính sách; chỉnh sửa bổ sung luật…
Việt Nam có nguồn lao động lớn nhưng chưa cân đối về trình độ, chất lượng, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, còn thiếu kiến thức chuyên môn bao quát và chuyên sâu, giao tiếp, ngoại ngữ, năng lực ra quyết định, năng lực tổ chức, lãnh đạo… Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa với rất nhiều thế mạnh khác biệt, là một trong số ít tỉnh trong cả nước có 3 vùng sinh thái trung du miền núi, đồng bằng và ven biển, với nhiều đặc điểm riêng biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh.
Với định hướng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó, xác định: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển… Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa cần một lực lượng lớn lao động chất lượng cao, hội tụ kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp mang tính đa ngành, đa lĩnh vực.
Với hệ sinh thái đào tạo toàn diện, quan điểm về đào tạo nhân lực chất lượng cao của học viện ngoài chuyên môn chính cần có: Kiến thức liên ngành, đa ngành nghề; Hội tụ kiến thức về: Logistics, luật, marketing, tài nguyên môi trường, tài nguyên đất đai, đầu tư thương mại, kinh tế quốc tế, tư duy hệ thống để tạo ra giá trị gia tăng cao, bền vững; tích luỹ kiến thức, kỹ năng mềm, hội nhập,…
Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nền tảng tốt cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, có mối liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Là môi trường thuận lợi đào tạo nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế. Đào tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chìa khóa để hình thành và phát triển lực lượng lao động của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một địa chỉ tin cậy để các bạn trẻ có thể thắp sáng tài năng và trao gửi khát vọng lập thân, lập nghiệp vì một nền Nông nghiệp Xanh, vì một Việt Nam hùng cường.
—
PGS. TS Võ Hữu Công, Phó Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Hoạt động khởi nghiệp và kỳ thi kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo tại học viện Nông nghiệp Việt Nam
Khởi nghiệp (Tiếng anh startup hoặc start-up) là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp.
Muốn khởi nghiệp thành công thì đầu tiên phải các bạn trẻ có có ý chí khát vọng, và cần kiến thức chuyên môn, kiến thức kỹ năng mềm, các yếu tố về yêu cầu của thị trường.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm được thành lập năm 1956, sau nhiều lần đổi tên, hiện nay trường có tên là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Là trường đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, những năm qua Học viện đặc biệt quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp.
Hiện tại, Học viện đang đào tạo 47 ngành như: nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh doanh kinh tế… Năm 2023, có thêm các nhóm ngành tuyển sinh như: Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị, Công nghệ sinh học và Công nghệ dược liệu, Xã hội học… Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như: ngôn ngữ Anh, Khoa học môi trường…
Học tập tại đây, ngoài kiến thức chuyên môn sinh viên còn được trang bị thêm kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và tự khởi nghiệp.
Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản tại các nước có nền khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, thời gian qua Học viện đã đào tạo được gần 120 nghìn kỹ sư, cử nhân; gần 15 nghìn thạc sỹ; gần 700 tiến sĩ đóng góp vào nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đồng thời, Học viện cũng tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho Nhân dân ở các địa phương.
Cùng với đó, Học viện đặc biệt quan tâm đến hợp tác quốc tế. Học viện đã hợp tác với 200 trường Đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế và đã cử khoảng 500 sinh viên, sinh viên đã tốt nghiệp tham gia giao lưu văn hoá quốc tế hoặc thực tập nghề nghiệp, làm việc tại các nước phát triển. Đồng thời, hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, cấp học bổng cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp.
Việc tổ chức cuộc thi khởi nghiệp được Học viện đặc biệt quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã tổ chức 8 Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.250 dự án tham gia từ hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng, THPT, các địa phương (trong đó trên 50% dự án là của sinh viên Học viện).
Năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang phát động kỳ thi “Kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo VNUA-2023”. Với mục đích phát hiện, bồi dưỡng những học sinh đam mê lĩnh vực khoa học công nghệ; khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ. Đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 tại các trường THPT và tương đương; người đã tốt nghiệp THPT và tương đương từ năm 2018 trở lại đây. Hình thức dự thi trực tuyến qua phần mềm MS.Teams. Tham gia cuộc thi thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi; được cộng điểm xét học bổng, tài năng, học bổng khởi nghiệp; có cơ hội được nhận giải thưởng lên đến 5 triệu đồng/1 giải; được tính tối đa 2.0 điểm quy đổi và cộng với điểm kết quả học tập THPT (hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT), điểm ưu tiên (nếu có) để xét tuyển vào Học viện.
—
Anh Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FEC: Để có thể lựa chọn “đúng” ngành học
Khi chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa Đại học, hầu hết các bạn học sinh đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành. Tuy nhiên, chính điều này sẽ dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập. Và một trong những minh chứng rõ nhất đó là sinh viên sau khi tốt nghiệp đều khó chọn nghề nghiệp vì không tìm được công việc đúng chuyên ngành phù hợp năng lực, sở thích. Do đó cần phải nhấn mạnh rằng: Không có ngành nào “hot” hơn ngành nào; thích và đam mê không giống nhau và không nhất thiết phải ra trường mới khởi nghiệp được.
Thực tế, khi chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, sinh viên sẽ dễ dàng có hứng khởi tìm tòi, khám phá hơn. Họ sẽ không đưa ra những quyết định như nghỉ học giữa chừng, thay đổi ngành học… Đồng thời, những kiến thức khi ngồi trên ghế nhà trường cũng sẽ không đi vào lãng phí. Sinh viên chọn ngành dựa trên đam mê, năng lực sẽ có xu hướng tập trung trau dồi đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp. Từ đó, có thể nâng cao tri thức khoa học, gia tăng khả năng làm việc độc lập, sáng tạo.
Như vậy, điều quan trọng nhất là bạn nên chọn ngành phù hợp chứ đừng chọn trường theo độ “hot”. Trong quá trình học đại học, bạn sẽ dần xác định được nghề nghiệp, công việc mong muốn dựa trên sở thích, tính cách, ngoại hình bản thân cũng như xu hướng thị trường, nhu cầu lao động.
Đối với hành trình khởi nghiệp từ việc thành lập công ty đã, đang là hướng đi được nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp sẽ gặp những khó khăn cơ bản như: Vốn ít (khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất…); thiếu kinh nghiệm chuyên môn; thiếu kinh nghiệm quản lý. Do đó, đối với các bạn học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ việc thành lập công ty cần phải dùng tất cả sự quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ; sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô… để đưa công ty tăng trưởng và vượt qua khó khăn.
|