1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ KHOA THÚ Y, NGÀNH THÚ Y, HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (Trường Đại học Nông Nghiệp I trước đây).
Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành phát triển và hội nhập cùng với sự phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, khoa đã đào tạo số lượng lớn Bác sỹ Thú y, Thạc sỹ và Tiến sỹ ngành Thú y phục vụ cho công tác Thú y trong cả nước. Khoa Thú y là một trong những nơi đầu tiên đào tạo Bác sỹ Thú y của Việt Nam. Đến nay Khoa Thú y đã đào tạo được hơn 10 000 bác sỹ thú y phục vụ trên mọi miền của đất nước.
Hiện tại khoa Thú y có một đội ngũ đông đảo các thầy, cô giáo, cán bộ phục vụ giàu kinh nghiệm với 10 PGS, 28 Tiến sỹ còn lại Thạc sỹ. Chỉ có rất ít cán bộ trong khoa có trình độ đại học. Phần lớn các giảng viên hiện nay của khoa được đào tạo bài bản tại tại các nước có nền khoa học Thú y tiên tiến trên thế giới như ; Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Úc, Thái Lan, Philipin, Malaysia, Hungari, Nga, Cu Ba v.v.
Tất cả các bộ môn của khoa Thú y đều có đầy đủ các phòng thực hành, thực tập, nghiên cứu phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu của khoa. Khoa có một Bệnh viện Thú y được xây dựng từ ngày đầu thành lập trường. Đây là nơi để sinh viên được thực tập các kỹ năng lâm sàng cũng như rèn tay nghề; Thực tập trực Bệnh viện và tham gia chẩn đoán và điều trị các ca bệnh của vật nuôi. Hiện tại khoa Thú y được chính phủ cấp kinh phí đang xây dựng bệnh viện Thú y hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng dự kiến năm 2017 với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Trước yêu cầu của thực tiễn sản xuất và chiến lược phát triển Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, khoa Thú y đang xây dựng đề án thành lập Trường Đại học Thú y trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Kế hoạch xây dựng nhà Khoa Thú y của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.
Bệnh viện Thú y hiện đại, nơi thực hành của sinh viên và phục vụ ngành Thú y
sẽ đưa vào sử dụng Cuối năm 2017
Nghiên cứu khoa học
Về công tác nghiên cứu, khoa Thú y cũng đã được giao nhiệm vụ triển khai nhiều đề tài khoa học trong nước các cấp (Nhà nước, Bộ, Học viện), nghị định thư với nước ngoài tập trung vào các vấn đề nóng của ngành Thú y hiện nay như : Vaccine vật nuôi, các KIT chẩn đoán Bệnh, Chế phẩm sinh học, An toàn thực phẩm, bệnh truyền lây giữa động vật và người, nâng cao khả năng sinh sản cho vật nuôi và một số lĩnh vực khác. Khoa đã có Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y đạt chứng chỉ ISO - 2705 và là phong thử nghiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học của khoa; thực hiện các dịch vụ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của vật nuôi; tư vấn kỹ thuật Thú y cho các địa phương, doanh nghiệp, công ty có nhu cầu và thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Đồng thời phòng thí nghiệm này cũng có vai trò rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cấp quốc gia, phòng được phân công nhiệm vụ chuyên ngành của Cục Thú y, Bộ Nông Nghiệp và PTNT và hỗ trợ chẩn đoán dịch bệnh của Thú y các tỉnh khu vực phái Bắc, Việt Nam
Khoa Thú y hiện nay là một trong cơ sở đào tạo số lượng lớn sinh viên ngành Thú y với tổng số hơn 4000 sinh viên hệ chính quy. Hàng trăm học viên cao học và nghiên cứu sinh. Số lượng sinh viên tuyển vào khoa trong 5 năm trở lại đây dao động từ 700 – 900 sinh viên/năm. Chất lượng của sinh viên ra trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng và có thể nói trong mấy năm gần đây do nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Thú y của thị trường lao động rất cao. Có nhiều năm số lượng sinh viên ra trường không cung ứng đủ nhu cầu tuyển dụng đặc biệt là của các Công ty, Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong ngành Thú y và Chăn nuôi.
Một số hình ảnh về công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy
Khoa Thú y đang đào tạo BSTY nhằm :
Cung cấp nguồn nhân lực bác sỹ thú y có chuyên môn sâu về thú y, bao gồm thực hiện các thao tác phòng thí nghiệm; chẩn đoán bệnh thông thường; biết sử dụng một số dược phẩm, hóa chất, vaccine phòng trị bệnh cho động vật; xây dựng chương trình thú y cho trại chăn nuôi; có hiểu biết về luật thú y, thị trường thuốc thú y, thị trường chăn nuôi; kiến thức về tiếp thị, giao tiếp; có kiến thức về một số ngành liên quan gần như chăn nuôi gia súc, chăn nuôi thú cảnh, nuôi thủy sản. Có khả năng dự báo và xây dựng kế hoạch và chương trình phòng chống dịch bệnh ở địa phương và cấp Quốc gia.
Bác sỹ thú y có các kỹ năng như nắm vững kỹ thuật phòng thí nghiệm liên quan chăn nuôi và thú y; tự thiết kế, thực hiện thí nghiệm chuyên ngành; nắm vững và thực hiện pháp lệnh thú y, chỉ đạo thực hiện các quy trình phòng, chống bệnh, kiểm soát động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật, kiểm soát sát sinh, kiểm tra theo quy định luật pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng; biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến thú y vào lĩnh vực sản xuất động vật, sản xuất vắc-xin và dược phẩm thú y; sử dụng máy vi tính với các phần mềm văn phòng và phần mềm phân tích thống kê cho các công việc lưu trữ dữ liệu, phân tích thống kê, lập báo cáo, trình bày báo cáo; tổ chức, điều hành hoạt động phòng khám thú y.
Bác sỹ thú y chuyên sâu về bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh chuyên biệt), về ngoại khoa & giải phẩu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản…v.v.
2. CÔNG TÁC TUYỂN SINH NĂM 2017
2.1. Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển 2017
Hệ Đại học: mã D640101, chỉ tiêu tuyển sinh: 850
Tổ hợp xét tuyển:
Toán, Vật lí, Hóa học.
Toán, Vật lí, Tiếng Anh.
Toán, Sinh học, Hóa học.
Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh
2.2. Mục tiêu đào tạo
Về kiến thức
+ Phân tích và đánh giá được hệ thống tri thức khoa học về: những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Ứng dụng được các tri thức khoa học trên vào thực tiễn đời sống;
+ Hiểu và ứng dụng được kiến thức cơ bản về toán học, sinh học, hóa học nhằm đáp ứng việc tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ cao hơn;
+ Hiểu và vận dụng được kiến thức cơ bản về: động vật học, sinh lý, hóa sinh, giải phẫu, tổ chức học, bệnh lý học, vi sinh vật thú y vào hoạt động chuyên ngành như chẩn đoán, xét nghiệm và các hoạt động khác liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi - thú y;
+ Ứng dụng được kiến thức về dược lý, dược liệu, độc chất và miễn dịch học làm cơ sở xây dựng biện pháp phòng và trị bệnh động vật đạt hiệu quả cao;
+ Vận dụng được kiến thức về bệnh truyền nhiễm, nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, và ký sinh trùng để chẩn đoán, xây dựng quy trình phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi;
+ Ứng dụng được kiến thức về dịch tễ học, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thú sản, các bệnh truyền lây và Luật Thú y để lựa chọn, đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình phòng, trị bệnh cho vật nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chăn nuôi góp phần bảo vệ sức khỏe của con người;
+ Vận dụng thành thạo kiến thức chuyên ngành để phân tích, tổng hợp và giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực thú y;
+ Có hiểu biết và kiến thức về kinh doanh, marketing và ứng dụng trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống và các sản phẩm liên quan đến động vật;
+ Vận dụng các kiến thức tổng hợp để thiết kế, triển khai các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực thú y, bước đầu hình thành năng lực sáng tạo, phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Về kỹ năng
+ Thực hiện thành thạo các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng, phi lâm sàng và lấy mẫu bệnh phẩm ứng dụng trong chẩn đoán và phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi. Sử dụng thành thạo một số máy móc, phương tiện hiện đại trong lĩnh vực chuyên môn thú y;
+ Sử dụng thành thạo các loại vaccine, thuốc và hóa dược trong phòng, trị bệnh cho vật nuôi;
+ Lập kế hoạch, chủ trì tổ chức tư vấn chuyên môn, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi; tổ chức, điều hành phòng khám thú y và trang trại chăn nuôi;
+ Kiểm soát giết mổ, kiểm tra các sản phẩm động vật theo quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh bệnh truyền lây giữa người và động vật;
+ Có khả năng đề xuất và triển khai các ý tưởng nghiên cứu chuyên môn; chủ động học và tự học tập nâng cao kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y;
+ Nhận biết trách nhiệm, tác động của nghề nghiệp đối với sức khỏe và môi trường, yêu cầu của xã hội đối với ngành thú y.
+ Có khả năng vận dụng linh hoạt và phù hợp kiến thức, kỹ năng về thú y để chủ động đề xuất giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cho vật nuôi;
+ Có kỹ năng tự lập kế hoạch, tổ chức, sắp xếp và đánh giá kết quả công việc chuyên môn về thú y được giao;
+ Có kỹ năng hình thành nhóm liên kết làm việc, có khả năng quản lí và lãnh đạo nhóm công tác có hiệu quả;
+ Có kỹ năng thuyết trình về lĩnh vực chuyên môn cụ thể trong lĩnh vực thú y, sử dụng thành thạo các phương tiện giao tiếp đa truyền thông (nói, viết, nghe, điện thoại, thư tín);
+ Tin học trình độ B và sử dụng thành thạo một số phần mềm thống kê sinh học như Minitab 13, 14, Excel;
+ Trình độ tiếng Anh tối thiểu đạt TOEIC 400 hoặc tương đương.
Về phẩm chất đạo đức
+ Tự tin đương đầu với khó khăn, nhiệt tình, say mê sáng tạo và khát vọng vươn lên trở thành chuyên gia, nhà lãnh đạo chuyên môn; làm việc khoa học và sắp xếp công việc một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả làm việc;
+ Trung thực, cẩn thận, khách quan, chuyên nghiệp, công bằng khi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; có tình yêu thương đối với động vật; nhiệt tình và trách nhiệm khi cứu chữa cho vật nuôi;
+ Tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành các quy định của Nhà nước và Pháp luật, sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; trân trọng các giá trị đạo đức của dân tộc.
3. CƠ HỘI, VỊ TRÍ VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP.
Với nhu cầu việc làm hiện nay và trong thời gian tới, hơn 90% sinh viên ngành Thú y sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập khởi điểm từ 15 đến 20 triệu đồng tại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Có nhiều công ty đã ký hợp đồng làm việc với sinh viên năm các sinh viên năm cuối. Đặc biệt khoa Thú y và các doanh nghiệp trong lĩnh vực Chăn nuôi Thú y luôn có các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ sinh viên năm cuối thực tập tốt nghiệp, đồng thời đây cũng là thời gian thử việc giúp sinh viên tiếp cận các doanh nghiệp. Sinh viên sau thời gian thực tập tại doanh nghiệp và tốt nghiệp ra trường được các công ty ký hợp đồng lao động chính thức đạt tỷ lệ 100%.
Người học thú y sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại cơ quan thú y (Cục Thú y, Viện nghiên cứu, Chi cục thú y tỉnh, cơ quan Thú y vùng, Trạm thú y quận huyện), tại các phòng mạch hoặc bệnh xá (hay bệnh viện) thú y, phòng xét nghiệm thú y, trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu, biên giới.
Đặc biệt là công tác tại các Công ty, Doanh Nghiệp đang hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, thực ăn chăn nuôi trên toàn quốc. Đây là khu vực thu hút số lượng đông sinh viên nhất khi ra trường trong 5 năm gần đây và cũng có thu nhập rất cao khi làm việc ở khu vực này. Ngoài ra BSTY còn có cơ hội làm việc tại các khu bảo tồn động vật hoang dã; thảo cầm viên; cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y; cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các Trường, Viện chuyên ngành. Bác sỹ thú y, ngoài công tác tại cơ quan thú y từ trung ương đến địa phương, còn có thể cộng tác hay phối hợp nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thuốc với các viện (hãng, cơ sở) bào chế các hóa chất, thuốc, biệt dược, vaccine phòng chống bệnh đặc hiệu hay công tác tại các bệnh viện thú y hoặc các cửa hàng chuyên doanh thuốc thú y. Bản thân BSTY sau khi tốt nghiệp cũng có khả năng tự mở các hoạt động kinh doanh cá nhân vễ lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
Hình ảnh một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y :
Nơi tiếp nhận phần lớn nguồn nhân lực là cựu sinh viên của Khoa Thú y
4. CƠ HỘI ĐÀO TẠO NÂNG CAO SAU KHI TỐT NGHIỆP.
Các chương trình đào tạo nâng cao trình độ mà người tốt nghiệp có thể tham gia:
+ Học cao học chuyên ngành Thú y, Chăn nuôi, Thủy sản;
+ Các chương trình đào tạo tiến sĩ: Bệnh lý học và chữa bệnh động vật, Dịch tễ học thú y, sinh sản và bệnh sinh sản gia súc;
+ Các chương trình tập huấn chuyên môn về thú y trong và ngoài nước.
+ Các chương trình, dự án nghiên cứu, đầu tư và phát triển ngành Thú y.