HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG TUYỂN SINH ĐÀO TẠO

TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ NĂM 2025

____________________

 Số: 99 /TB-HVN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

___________________

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2025

 

THÔNG BÁO

V/v xét tuyển nghiên cứu sinh năm 2025

 

I. THÔNG TIN CHUNG

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thành lập năm 1956, là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn. Trải qua gần 70 năm phát triển, Học viện đã khẳng định vị thế vững chắc với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên trình độ cao và mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp. Là trung tâm nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo, Học viện không ngừng tạo ra các đột phá khoa học, đóng góp quan trọng vào hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế.

Với diện tích gần 200ha, Học viện sở hữu 52 phòng thí nghiệm, trong đó có 6 phòng đạt tiêu chuẩn ISO, và Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc với 20 phòng nghiên cứu chuyên sâu, tạo điều kiện lý tưởng cho nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ. Hệ thống phòng học thông minh, thư viện kết nối quốc tế với 30.000 đầu sách, cùng các mô hình khoa học công nghệ tiên tiến hỗ trợ mạnh mẽ quá trình đổi mới sáng tạo, phục vụ sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. https://vnua.edu.vn/cosovatchat.

Đội ngũ giảng viên của Học viện gồm gần 100 giáo sư, phó giáo sư và hơn 360 tiến sĩ, với hơn 90% được đào tạo tại các quốc gia có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Hà Lan, ... Nhiều giảng viên được vinh danh với danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và các giải thưởng uy tín, tạo nền tảng vững chắc cho việc đào tạo tiến sĩ và phát triển các nhà khoa học xuất sắc.

https://www.vnua.edu.vn/canbovienchuc.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế hàng đầu. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với hơn 100 tổ chức và trường đại học danh tiếng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan và Úc mở ra cơ hội hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực khoa học, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các sản phẩm khoa học vào thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

https://www.vnua.edu.vn/nghiencuukhoahoc.


II. NỘI DUNG THÔNG BÁO TUYỂN SINH

Căn cứ Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế Tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ;

Căn cứ Quyết định số 3989/QĐ-HVN ngày 12/8/2021 của Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc ban hành Quy chế Tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ;

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1667/QĐ-BGDĐT ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh sách các cơ sở đào tạo tham gia đào tạo và các ngành đào tạo (đợt tháng 6 năm 2021) theo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo xét tuyển nghiên cứu sinh năm 2025 như sau:

1. Đối tượng và điều kiện dự tuyển

a) Yêu cầu chung đối với người dự tuyển:

- Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và loại giỏi có ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, trước khi dự tuyển phải có giấy xác nhận của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 và sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15/07/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;

- Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

- Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

b) Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ sau:

- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

- Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục Giáo dục Đào tạo công bố.

c) Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai quy định tại mục b, trừ trường hợp là người bản ngữ của ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

d) Yêu cầu đối với người dự tuyển Theo Đề án 89:

Giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn được tham gia tuyển chọn để nhận kinh phí hỗ trợ của Đề án khi đáp ứng các yêu cầu sau:

- Là công dân Việt Nam, tuổi không quá 40 tính đến năm tham gia tuyển chọn; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để đi học; không trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật khi tham gia tuyển chọn đi học toàn thời gian ở nước ngoài;

- Tham gia tuyển chọn đi học tiến sĩ, thạc sĩ hoặc đang theo học các chương trình đào tạo tiến sĩ lần đầu tiên;

- Giảng viên cơ hữu đã đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo dự kiến tiếp nhận học chính thức trong năm đăng ký tuyển chọn hoặc năm kế tiếp liền kề; hoặc giảng viên nguồn, giảng viên cơ hữu đang theo học chương trình đào tạo tiến sĩ phải còn thời gian học tập, nghiên cứu ít nhất từ 18 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia tuyển chọn;

- Chưa nhận hoặc chưa cam kết nhận học bổng toàn phần từ ngân sách Nhà nước hoặc từ các nguồn kinh phí khác cho việc học tập, nghiên cứu ở trình độ dự tuyển tính đến thời điểm được tuyển chọn.

2. Danh mục ngành/chuyên ngành đúng và phù hợp được xét tuyển đối với từng ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của Học viện; Danh sách người hướng dẫn đáp ứng quy định.

a) Danh mục ngành/chuyên ngành đúng và phù hợp được xét tuyển đối với từng ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của Học viện (Phụ lục II) và được nêu cụ thể trong Chương trình đào tạo của từng ngành;

b) Danh sách cán bộ có thể tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh (Phụ lục III).


3. Chỉ tiêu tuyển sinh

TT

Ngành/Chuyên ngành

Mã số

Chỉ tiêu

Khoa chuyên môn

1.

Chăn nuôi

9.62.01.05

5

Chăn nuôi

2.

Kỹ thuật cơ khí

9.52.01.03

5

Cơ - Điện

3.

Công nghệ sinh học

9.42.02.01

10

Công nghệ sinh học

4.

Kinh tế nông nghiệp

9.62.01.15

5

Kinh tế và Quản lý

5.

Kinh tế phát triển*

9.31.01.05

20

6.

Quản trị nhân lực

9.34.04.04

5

7.

Quản trị kinh doanh

9.34.01.01

10

Kế toán và Quản trị kinh doanh

8.

Bảo vệ thực vật*

9.62.01.12

5

Nông học

9.

Di truyền và chọn giống cây trồng*

9.62.01.11

5

10.

Khoa học cây trồng

9.62.01.10

7

11.

Khoa học môi trường

9.44.03.01

5

Tài nguyên và Môi trường

12.

Quản lý đất đai*

9.85.01.03

8

13.

Bệnh lý học và chữa bệnh vật nuôi*

9.64.01.02

10

Thú y

14.

Dịch tễ học thú y*

9.64.01.08

5

15.

Sinh sản và bệnh sinh sản gia súc

9.64.01.06

5

16.

Nuôi trồng thủy sản

9.62.03.01

10

Thủy sản

 

Tổng chỉ tiêu

 

120

 

            Ghi chú: * ngành có đào tạo theo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019).

4. Hồ sơ dự tuyển

a) Đơn xin dự tuyển (theo mẫu);

b) Sơ yếu lý lịch và Lý lịch khoa học được cơ quan quản lý nhân sự (nếu là người đã có việc làm), hoặc cơ sở đào tạo nơi người dự tuyển vừa tốt nghiệp giới thiệu dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ. Đối với người chưa có việc làm phải được địa phương nơi cư trú xác nhận nhân thân tốt và hiện không vi phạm pháp luật;

c) Bản sao văn bằng, bảng điểm và chứng chỉ theo quy định (có công chứng);

d) Bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

đ) Đề cương nghiên cứu và bài luận dự định nghiên cứu

-  Đề cương nghiên cứu đề tài luận án (theo hướng dẫn).

-  Bài luận về dự định nghiên cứu phải trình bày rõ ràng đề tài hoặc lĩnh vực nghiên cứu, lý do lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, mục tiêu và mong muốn đạt được, lý do lựa chọn cơ sở đào tạo; kế hoạch thực hiện trong từng thời kỳ của thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề hay lĩnh vực dự định nghiên cứu; dự kiến việc làm sau khi tốt nghiệp; đề xuất người hướng dẫn (theo hướng dẫn).

e) Thư giới thiệu đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khả năng thực hiện nghiên cứu của người dự tuyển của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển dự định nghiên cứu (theo hướng dẫn).

g) Công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định hiện hành về việc đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức).

h) Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đóng học phí; hoàn trả kinh phí với nơi đã cấp cho quá trình đào tạo nếu không hoàn thành luận án tiến sĩ).

5. Kế hoạch và phương thức tuyển sinh, thời gian công bố kết quả trúng tuyển và thời gian nhập học

a) Kế hoạch tuyển sinh:

-  Thời gian nhận hồ sơ từ tháng 01 năm 2025.

-  Thời hạn nhận hồ sơ trước đợt xét tuyển 20 ngày.

-  Dự kiến xét tuyển vào các tháng 3, 6, 9, 12 năm 2025.

b) Phương thức tuyển sinh

Xét tuyển nhiều lần trong năm.

c) Thời gian công bố kết quả trúng tuyển và nhập học:

-  Dự kiến công bố kết quả trúng tuyển sau khi xét tuyển 01 tháng.

-  Dự kiến nhập học sau 15 ngày có quyết định công nhận trúng tuyển.

6. Chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính

a) Nghiên cứu sinh có cơ hội tiếp cận các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính từ Học viện và các tổ chức hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập và nghiên cứu chuyên sâu.

b) Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên/học viên tốt nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

-  Học bổng với giá trị là 30% học phí của năm học đầu tiên nếu nhập học trong thời gian 0-6 tháng sau khi tốt nghiệp (trường hợp sau khi nhập học, học viên bảo lưu 01 năm thì giá trị học bổng là 18% học phí năm đầu tiên);

-  Học bổng với giá trị là 20% học phí của năm học đầu tiên nếu nhập học trong thời gian 06-12 tháng sau khi tốt nghiệp;

-  Học bổng với giá trị là 15% học phí của năm học đầu tiên nếu nhập học trong thời gian 12-24 tháng sau khi tốt nghiệp.

7. Lệ phí và học phí

a) Lệ phí

Trước khi nộp hồ sơ, thí sinh phải có biên lai nộp lệ phí và kinh phí xét tuyển của Ban Tài chính - Kế toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm:

-  Lệ phí dự tuyển NCS: 200.000 đồng/thí sinh.

-  Kinh phí hỗ trợ tiểu ban đánh giá chuyên môn: 1.800.000 đồng/thí sinh.

b) Học phí theo quy định hiện hành của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

-  Đối với nghiên cứu sinh là người Việt Nam là 18.000.000 đồng/kỳ (có thay đổi từng năm học theo lộ trình).

-  Đối với lưu học sinh nghiên cứu sinh diện tự túc được thực hiện theo hợp đồng đào tạo giữa người học và Học viện.

8. Hình thức và thời gian đào tạo

Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ là 04 năm (48 tháng). Mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn được phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

9. Các thông tin khác

Văn bản hướng dẫn và phụ lục (kèm theo)

Mọi chi tiết khác xin liên hệ với Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Điện thoại (024) 62617691/0932.430000.

 

Nơi nhận:

- Các đối tượng dự tuyển;

- Ban biên tập website;

- Lưu: VT, QLĐT, NP (10).

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

PHÓ GIÁM ĐỐC

GS.TS. Phạm Văn Cường