BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

____________________

Số:  110 /TB-HVN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_____________________

 Hà Nội, ngày 10  tháng 02  năm 2017

 


THÔNG BÁO
 

Về tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai

 

Căn cứ quyết định số 22/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai;

Căn cứ  Quy chế đào tạo hệ chính quy (CQ), hệ vừa làm vừa học (VLVH) hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện) thông báo về tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai năm 2017 như sau: 

1/ Chỉ tiêu tuyển sinh: Hệ chính quy 50, hệ vừa làm vừa học: 100.

2/ Ngành đào tạo: Tất cả các ngành hiện đang đào tạo ở bậc đại học (ĐH) tại Học viện (bảng phụ lục 2).

3/ Đối tượng tuyển. Là những người có đủ các điều kiện:

- Đã có ít nhất một bằng tốt nghiệp đại học (ĐH).

- Được cơ quan chủ quản (đối với người đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) hoặc xã, phường đang quản lý hộ khẩu thường trú (đối với người không thuộc diện cơ quan, doanh nghiệp quản lý) đồng ý cho đi học.

- Có đủ sức khoẻ để học tập.

- Không trong thời gian can án hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4/ Công tác tuyển sinh.

a/  Các trường hợp được miễn thi tuyển sinh:

- Có bằng tốt nghiệp ĐH hệ CQ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam,  đăng ký học ngành mới hệ CQ hoặc VLVH trong cùng nhóm ngành.

- Có bằng tốt nghiệp ĐH hệ CQ thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, đăng ký học ngành mới hệ VLVH thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ.

- Có bằng tốt nghiệp ĐH hệ CQ thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, đăng ký học ngành mới hệ VLVH thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ

Chi tiết về đối tượng được miễn thi  xem bảng phụ lục 1 đính kèm.

b/ Các trường hợp không được miễn thi tuyển sinh:

Những người không thuộc diện miễn thi tại mục a/ và những người đăng ký học bằng hai hệ CQ.

c/ Môn thi tuyển sinh:  2 môn thuộc phần kiến thức giáo dục đại cương của ngành đào tạo thứ hai (xem bảng phụ lục 2 đính kèm).

d/ Hình thức thi tuyển sinh: thi tự luận.

e/ Thời gian thi tuyển sinh hệ chính quy: từ ngày 03 đến ngày 04/11/2017. Đối với các lớp mở tại các Cơ sở liên kết, thời gian thi tuyển sinh do Cơ sở đề nghị và có ít nhất 30 thí sinh đăng ký dự thi cho một ngành đào tạo.

h/ Điểm trúng tuyển: theo quy định của Học viện, trong đó các môn thi đều đạt từ 5,00 điểm trở lên.

5/ Chương trình đào tạo và bảo lưu kiến thức:

a/ Chương trình đào tạo bằng thứ hai đối với từng ngành là chương trình hệ CQ (hoặc VLVH) của ngành được xây dựng năm 2017.

b/ Người học phải học đủ các học phần có trong chương trình đào tạo của ngành thứ hai mà khi học ngành thứ nhất chưa được học hoặc đã học nhưng chưa đủ khối lượng quy định.

c/ Người học chỉ được bảo lưu kết quả học tập đối với những học phần trong chương trình đào tạo của ngành thứ nhất có số đơn vị học trình (tín chỉ) tương đương hoặc lớn hơn so với chương trình đào tạo bằng hai và đạt từ 5,0 điểm trở lên.

d/ Căn cứ bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp ĐH thứ nhất và chương trình đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp  ĐH thứ  hai, Giám đốc Học viện quyết định các học phần được bảo lưu, các học phần phải học.

6/ Tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập, xét công nhận và cấp  bằng tốt nghiệp ĐH thứ hai:

a/ Học viện chỉ mở lớp riêng cho từng ngành khi số lượng sinh viên của ngành đó từ 30  trở lên. Khi số lượng sinh viên không đủ để mở lớp riêng, sinh viên được đăng ký học tích luỹ từng học phần với các lớp (nhóm) có học phần cần tích luỹ với các điều kiện:

- Số lượng tín chỉ đăng ký tích luỹ tối đa 25 tín chỉ/ kỳ.

- Đảm bảo đúng trình tự môn học (nếu có) trong chương trình đào tạo bằng tốt nghiệp ĐH thứ hai .

- Sinh viên hệ CQ chỉ được đăng ký học và thi tại các lớp (nhóm) hệ CQ.

- Sinh viên hệ VLVH đăng ký học và thi  tại các lớp VLVH.

b/ Thời gian đào tạo:

Từ 1 đến 3 năm tuỳ thuộc vào chương trình đào tạo bằng tốt nghiêp ĐH thứ nhất, thứ hai và mức độ đăng ký tích luỹ của người học (số tín chỉ tích luỹ không quá 25 tín chỉ/ kỳ).

c/ Sinh viên thuộc hệ đào tạo nào thì thực hiện theo quy chế đào tạo và được cấp bằng tốt nghiệp theo hệ đào tạo đó.

- Hệ Chính quy: áp dụng cho người học tập trung liên tục tại Học viện, quá trình đào tạo thực hiện theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành theo Quyết định số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 1368/QĐ-HVN ngày 27/5/2016 của Giám đốc Học viện.

- Hệ vừa làm vừa học: áp dụng cho người học tại  Học viện và tại các cơ sở liên kết đào tạo, quá trình  đào tạo theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức VLVH ban hành theo Quyết định số 36/2007/QĐ- BGDĐT ngày 28/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lớp học chỉ được mở khi có 30 sinh viên trở lên.

7/ Kinh phí đào tạo:

- Người học có trách nhiệm đóng góp 100 % học phí theo quy định hàng năm (kể cả các đối tượng ưu tiên trong đào tạo).

8/ Trách nhiệm quản lý, theo dõi người học:

- Đối với sinh viên học tại Học viện do Khoa quản lý, theo dõi.

- Đối với các lớp mở tại cơ sở liên kết, theo các điều khoản của Hợp đồng đào tạo.

 

Các cơ sở liên kết đào tạo và cá nhân có nhu cầu đào tạo để được cấp bằng tốt nghiệp ĐH thứ hai, cần nộp Hồ sơ đăng ký dự thi tại ban Quản lý đào tạo của Học viện trước ngày 30/9/2017 (Mẫu hồ sơ có kèm theo thông báo này và có tại ban Quản lý đào tạo).

Điện thoại liên hệ khi cần: 0462 617 520. Website: www.vnua.edu.vn.

Nơi nhận:

- Các Cơ sở đang liên kết ĐT

- TT GDTX các tỉnh (TP)

- Lưu QLĐT, VT, HVS (50).

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

Đã ký

Nguyễn Xuân Trạch