ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC TRƯỜNG ĐH, CĐ HÀ NỘI ĐẢNG ỦY HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM * Số 98 -HD/ĐU | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ______________________ Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với
tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý
----------
Thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị “về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, ngày 24/9/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Kế hoạch số 105-KH/TU, ngày 05/11/2018 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 81-KH/ĐUK ngày 16/11/2018 và Hướng dẫn số 02-HD/ĐUK ngày 27/11/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội về “kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý” Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm nhằm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các khoa, phòng, ban, đơn vị trong Học viện và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Kết quả kiểm điểm, đánh giá là căn cứ để thực hiện các nội dung về công tác cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Học viện và từng cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm; đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ và phong cách, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy cấp trên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm khách quan, toàn diện, thực chất. Trong kiểm điểm phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong Học viện.
B. NỘI DUNG
I. KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH
1. Đối tượng kiểm điểm
1.1. Tập thể
- Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện; Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện; Ban Chi ủy các chi bộ trực thuộc;
- Tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Học viện: Ban Giám đốc Học viện; Ban Chủ nhiệm các Khoa; Tập thể cán bộ lãnh đạo Ban/ Trung tâm/ Công ty/ Viện… trực thuộc Học viện
- Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể cấp Học viện bao gồm: Ban Chấp hành Công đoàn Học viện; Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Học viện và Ban Chấp hành Hội sinh viên Học viện;
1.2. Cá nhân
- Đảng viên trong toàn Đảng bộ Học viện (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt Đảng).
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (kể cả cán bộ không phải là đảng viên) bao gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc; Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc Học viện; Các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành các tổ chức đoàn thể cấp Học viện: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Học viện; Chủ tịch Công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn Học viện.
2. Nơi kiểm điểm
2.1. Đối với tập thể
Tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp nào thực hiện kiểm điểm ở cấp đó.
2.2. Đối với cá nhân
- Đảng viên kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt. Kết hợp kiểm điểm tập thể lãnh đạo, quản lý đơn vị với kiểm điểm cấp ủy của đơn vị (nếu các thành viên lãnh đạo đều trong cấp ủy).
- Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt, còn thực hiện kiểm điểm như sau:
- Đảng viên kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt Đảng.
- Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở chi bộ nơi sinh hoạt, còn thực hiện kiểm điểm cụ thể như sau:
+ Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện kiểm điểm trước Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện, kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo, quản lý nơi mình là người đứng đầu hoặc là thành viên lãnh đạo;
+ Các đồng chí là trưởng, phó các đơn vị trực thuộc Học viện (không phải là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện) kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo đơn vị nơi làm việc.
+ Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể cấp Học viện kiểm điểm trước tập thể Ban Chấp hành các các tổ chức đoàn thể cấp Học viện.
+ Các đồng chí Ủy viên Ban Ban Chấp hành chi bộ (Chi ủy viên) kiểm điểm trước Ban Chấp hành Chi bộ (Chi ủy) cùng cấp và trước tập thể lãnh đạo nơi mình là thành viên. Nơi không có Ban Chấp hành chi bộ (Chi ủy) thì bí thư, phó bí thư kiểm điểm trước chi bộ.
Đảng viên giữ từ ba chức vụ lãnh đạo, quản lý trở lên, ngoài kiểm điểm ở các nơi nêu trên, có thể kiểm điểm ở nơi khác (nếu cần) do cấp có thẩm quyền quyết định.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Học viện thì kiểm điểm trước hội nghị cán bộ chủ chốt hoặc toàn thể cán bộ, viên chức đơn vị nơi làm việc, cụ thể như sau:
+ Đối với những đơn vị có từ 30 cán bộ, viên chức (trừ viên chức đang hợp đồng ngắn hạn) trở lên thì kiểm điểm trước hội nghị cán bộ chủ chốt gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị, cấp ủy; trưởng, phó bộ môn, tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ công tác (nếu có); trưởng các đoàn thể cùng cấp trong đơn vị.
+ Đối với những đơn vị có dưới 30 cán bộ, nhân viên thì kiểm điểm trước hội nghị toàn thể cán bộ, viên chức.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa là đảng viên thì kiểm điểm ở tập thể lãnh đạo, quản lý mà mình là thành viên.
3. Nội dung kiểm điểm
3.1. Đối với tập thể lãnh đạo, quản lý (thực hiện theo Mẫu 1a, 1b kèm theo)
- Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của cấp trên.
- Kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị; các chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm được lượng hóa bằng sản phẩm (nếu có).
- Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định, quy chế làm việc.
- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và thi đua, khen thưởng.
- Kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước.
- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm sâu (nếu có).
Khi kiểm điểm phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi thành viên, nhất là người đứng đầu trong từng hạn chế, khuyết điểm của tập thể và đề ra biện pháp khắc phục có tính khả thi.
3.2. Đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý (thực hiện theo Mẫu 3a, 3b kèm theo)
a) Kiểm điểm đảng viên (thực hiện theo Mẫu 3a, 3b kèm theo)
- Về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc. Liên hệ các biểu hiện về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm; trách nhiệm cá nhân liên quan đến kết quả, hạn chế, khuyết điểm ở lĩnh vực tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.
- Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.
- Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở các kỳ kiểm điểm trước.
- Đối với đảng viên là công chức, viên chức và những người khác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, khi kiểm điểm cần đi sâu làm rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao; tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm; ý thức, thái độ phục vụ cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên.
b) Kiểm điểm cán bộ lãnh đạo, quản lý
- Ngoài những nội dung nêu tại điểm a) khoản 3.2, cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải kiểm điểm sâu sắc các nội dung sau:
+ Kết quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, người lao động.
+ Quan hệ, phối hợp giữa tập thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, đơn vị; làm rõ trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Xây dựng tổ chức bộ máy vững mạnh, việc quy tụ, đoàn kết; thái độ công tâm, khách quan và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên.
+ Ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức nêu gương của bản thân và gia đình.
4. Các bước tiến hành kiểm điểm
4.1. Chuẩn bị kiểm điểm
a) Chuẩn bị báo cáo kiểm điểm
- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể theo Mẫu 01a, 01b và lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Dự thảo báo cáo kiểm điểm gửi trước cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất 03 ngày làm việc.
- Mỗi cá nhân làm một bản tự kiểm điểm theo Mẫu 03a.
b) Gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân
- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị cấp trên gợi ý nội dung cần kiểm điểm sâu đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý (nếu xét thấy cần) bằng văn bản.
- Ban Tổ chức Đảng ủy Khối có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ban Đảng, Văn Phòng Đảng ủy Học viện tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện về những tập thể cần gợi ý và nội dung kiểm điểm.
4.2. Tổ chức kiểm điểm
- Kiểm điểm đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm được tiến hành vào dịp cuối năm. Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau, người đứng đầu trước, cấp phó và các thành viên sau, lấy kết quả kiểm điểm tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện kiểm điểm sau khi các tập thể lãnh đạo, quản lý của chính quyền, chuyên môn, đoàn thể đã hoàn thành kiểm điểm. Những chi bộ có tổ đảng thì có thể kiểm điểm đảng viên ở tổ đảng, sau đó tổ đảng báo cáo kết quả với chi bộ.
- Người đứng đầu hoặc người được ủy quyền trình bày báo cáo kiểm điểm của tập thể; từng thành viên trong tập thể tham gia góp ý và làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với những ưu, khuyết điểm của tập thể. Người đứng đầu tổng hợp, kết luận từng nội dung tiếp thu để hoàn thiện báo cáo.
- Cá nhân trình bày bản tự kiểm điểm; từng thành viên trong tập thể góp ý, phê bình; người chủ trì kết luận những ưu, khuyết điểm của từng cá nhân; cá nhân tiếp thu, hoàn thiện bản tự kiểm điểm. Khi kiểm điểm người đứng đầu thì phân công đồng chí cấp phó chủ trì. Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nơi nào thực hiện kiểm điểm sâu về chức trách, nhiệm vụ được giao ở nơi đó, ở chi bộ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
5. Thời gian kiểm điểm
- Đối với tập thể, cá nhân ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, ban Chấp hành Đảng bộ Học viện kiểm điểm tối thiểu 02 ngày.
- Đối với tập thể, cá nhân các tổ chức đảng trực thuộc tối thiểu 01 ngày.
Những nơi được Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện gợi ý kiểm điểm sâu thực hiện kiểm điểm thêm (tối thiểu 1.5 ngày), bảo đảm thời gian kiểm điểm nghiêm túc, chất lượng, đạt mục đích, yêu cầu đã đề ra.
II. ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG
Đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình và tiến hành ngay sau khi kết thúc kiểm điểm.
1. Đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng (Mẫu 2b)
Nội dung kiểm điểm tập thể cần tập trung làm rõ những thành tích nổi bật để phát huy, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém; liên hệ với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ rõ nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục.
1.1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị
- Cấp ủy ban hành nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch triển khai nhiệm vụ; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt hằng năm.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột xuất phát sinh được Thành ủy, Đảng ủy Khối, Đảng ủy Học viện, cơ quan chủ quản, quản lý cấp trên giao và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh của Học viện.
1.2. Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong Học viện và trên địa bàn Thủ đô, không để cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia tụ tập đông người, biểu tình.
1.3. Kết quả lãnh đạo công tác xây dựng Đảng
a) Công tác tư tưởng, tuyên giáo: Thực hiện đẩy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, đột xuất trong lĩnh vực công tác tư tưởng, tuyên giáo theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Học viện và cấp ủy đơn vị giao; các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
b) Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, đột xuất trong lĩnh vực công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên; bảo vệ chính trị nội bộ theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Học viện và cấp ủy đơn vị giao; các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
c) Công tác kiểm tra, giám sát và thu chi Đảng phí: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát và công tác thu, chi tài chính Đảng, các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
d) Công tác phát triển đảng: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác phát triển đảng, đặc biệt đối với cán bộ trẻ và sinh viên.
1.4. Kết quả công tác lãnh đạo hoạt động các tổ chức đoàn thể
a) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đột xuất theo sự chỉ đạo, hướng dẫn hằng năm của cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.
b) Công đoàn: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đột xuất theo sự chỉ đạo, hướng dẫn hằng năm của cấp ủy cùng cấp và công đoàn cấp trên trực tiếp trong công tác công đoàn và các phong trào, chương trình hành động của tổ chức công đoàn.
c) Hội sinh viên: Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đột xuất theo sự chỉ đạo, hướng dẫn hằng năm của cấp ủy cùng cấp và Hội sinh viên cấp trên trực tiếp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng cấp trong công tác sinh viên và phong trào hoạt động của sinh viên.
1.5. Kết quả thực hiện công tác thi đua khen thưởng
- Điểm cộng: Đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua khen thưởng đối với đơn vị có thành tích xuất sắc toàn diện trong một hay một số lĩnh vực công tác được Trung ương (Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) hoặc các bộ, ban, ngành và tương đương khen thưởng trong năm đánh giá thi đua.
- Điểm trừ: Đối với chi bộ trong tập thể lãnh đạo có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ; để xảy ra những vấn đề nổi cộm, bức xúc chậm giải quyết, nhiều đơn, thư khiếu nại tố cáo kéo dài không được giải quyết hoặc giải quyết không hiệu quả; có cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện quản lý bị xử lý kỷ luật.
1.6. Bổ sung điều chỉnh tên gọi mức xếp loại chất lượng tổ chức đảng đạt “Trong sạch, vững mạnh” thành “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; mức “Yếu kém” thành “Không hoàn thành nhiệm vụ” cho phù hợp với Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, ngày 24/9/2018 của Ban Tổ chức Trung ương.
2. Đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên
2.1. Đối tượng
Đảng viên trong toàn Đảng bộ (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt Đảng) (Mẫu 4).
Đảng viên giữ các chức vụ cán bộ lãnh đạo quản lý (thực hiện thêm Mẫu 6a, 6b)
2.2. Khung tiêu chí đánh giá
a) Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc
- Tư tưởng chính trị: Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành, tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc học tập các nghị quyết, chỉ thị, tham gia các đợt sinh hoạt chính trị để nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng.
- Phẩm chất đạo đức, lối sống: Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên; tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm và đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ý thức xây dựng cơ quan, Học viện và giữ gìn đoàn kết nội bộ.
- Ý thức tổ chức kỷ luật: Việc chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, Học viện; các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng và đóng đảng phí theo quy định; trách nhiệm nêu gương của đảng viên; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân và giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi cư trú.
- Tác phong, lề lối làm việc: Năng động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc; tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
- Kết quả đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cá nhân.
b) Về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
- Việc thực hiện chức trách, quyền hạn theo quy định (đảng, chính quyền, đoàn thể).
- Đối với đảng viên là công chức, viên chức và những người khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Căn cứ kết quả đánh giá hằng tháng theo Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy để xem xét đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đảng viên cho phù hợp.
c) Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.
d) Kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước.
e) Kết quả kiểm điểm theo gợi ý của cấp có thẩm quyền (nếu có).
2.3. Khung tiêu chuẩn các mức chất lượng
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Là đảng viên thực sự tiêu biểu về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, có sản phẩm cụ thể lượng hóa được, có nhiều thành tích nổi bật trong công tác được các đảng viên khác học tập, noi theo.
- Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đều đánh giá đạt cấp độ "Xuất sắc"; những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ "Tốt" trở lên.
- Đảng viên là công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trong từng tổ chức cơ sở đảng.
b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đều đánh giá đạt cấp độ "Tốt" trở lên; những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ "Trung bình" trở lên.
- Đảng viên là công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên.
c) Hoàn thành nhiệm vụ
- Các tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt cấp độ "Trung bình" trở lên.
- Đảng viên là công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức "Hoàn thành nhiệm vụ" trở lên.
d) Không hoàn thành nhiệm vụ
Là đảng viên không đạt mức "Hoàn thành nhiệm vụ" hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
- Cấp có thẩm quyền kết luận đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
- Chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm.
- Đảng viên là công chức, viên chức xếp loại ở mức "Không hoàn thành nhiệm vụ".
- Đảng viên bị thi hành kỷ luật trong năm (một vi phạm bị xử lý kỷ luật chỉ tính một lần khi xếp loại).
2.4. Trách nhiệm, thẩm quyền
- Đảng ủy Học viện, chi ủy chi bộ (chi bộ nơi không có chi ủy) chủ trì tổ chức thực hiện và xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đảng viên.
- Từng đảng viên tự đánh giá, xếp loại chất lượng.
- Các chủ thể có liên quan tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên:
+ Đối với đánh giá đảng viên là công chức, viên chức, những người khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là công chức, viên chức): (1) Chi ủy (chi bộ) nơi đảng viên sinh hoạt; (2) Tập thể lãnh đạo đoàn thể mà đảng viên là thành viên lãnh đạo; (3) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức; (4) Chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú (Mẫu 5); (5) Đảng viên trong chi bộ.
+ Đối với đánh giá đảng viên không là công chức, viên chức (Sinh viên và cán bộ hợp đồng có thời hạn): (1) Chi ủy (chi bộ) nơi đảng viên sinh hoạt; (2) Tập thể lãnh đạo đoàn thể mà đảng viên là thành viên lãnh đạo; (3) Đảng viên trong chi bộ.
2.5. Cách thức thực hiện
Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng được quy định cụ thể cho từng đối tượng, đảng viên tự phân tích chất lượng (xác định cấp độ "Xuất sắc", "Tốt", "Trung bình", "Kém" cho từng tiêu chí đánh giá cụ thể) và xem xét, tự nhận mức chất lượng theo Mẫu 04; sau đó, báo cáo trước chi bộ trong cuộc họp kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm.
Bước 2: Các chủ thể tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng
Chi ủy tổ chức để các chủ thể tham gia đánh giá thực hiện việc phân tích chất lượng từng tiêu chí đánh giá, đề xuất mức xếp loại từng đảng viên gửi kết quả về chi ủy; cụ thể:
- Chi ủy nơi đảng viên sinh hoạt; tập thể lãnh đạo đoàn thể mà đảng viên là thành viên lãnh đạo: Đánh giá, xếp loại từng đảng viên theo Mẫu 04
- Chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú: Thực hiện việc xác nhận phiếu nhận xét đảng viên theo Quy định số 76-QĐ/TW.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức: Đánh giá, xếp loại công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ (lấy kết quả đánh giá công chức viên chức theo năm học 2017-2018).
- Đảng viên trong chi bộ: Xem xét, bỏ phiếu kín mức chất lượng đối với từng đảng viên. (mẫu 9a)
Chi ủy tổng hợp kết quả, đề xuất nội dung nhận xét đánh giá, mức xếp loại chất lượng cho từng đảng viên và nộp báo cáo Đảng ủy theo (Mẫu 10).
Bước 3: Quyết định mức xếp loại chất lượng
- Ban Tổ chức Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy thẩm định báo cáo của các chi bộ để đảng ủy tổ chức họp xét, bỏ phiếu kín quyết định xếp loại chất lượng đảng viên.
3. Đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể lãnh đạo, quản lý
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể lãnh đạo, quản lý được thực hiện sau khi hoàn thành nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình; cụ thể như sau: (Mẫu 2a)
3.1. Đối tượng
- Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện; Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện; Chi ủy các chi bộ trực thuộc;
- Tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Học viện: Ban Giám đốc Học viện; Ban Chủ nhiệm các Khoa; Tập thể cán bộ lãnh đạo Ban/ Trung tâm/ Công ty/ Viện… trực thuộc Học viện
- Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể cấp Học viện bao gồm: Ban Chấp hành Công đoàn Học viện; Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Học viện và Ban Chấp hành Hội sinh viên Học viện;
3.2. Khung tiêu chí đánh giá
Thực hiện như Mẫu 02 kèm theo Kế hoạch này.
3.3. Khung tiêu chuẩn các mức chất lượng
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Là tập thể đoàn kết, có phẩm chất, năng lực, uy tín, khẳng định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; có đổi mới sáng tạo, có sản phẩm cụ thể; tích cực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác; xây dựng đơn vị phát triển toàn diện.
- Các chi bộ trực thuộc, các tổ đảng bộ phận có nhiều thành tích nổi bật; khẳng định vị thế, vai trò hàng đầu, điển hình để các tập thể khác học tập, noi theo; các tiêu chí đánh giá đều đạt “Tốt” trở lên, trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm đều được đánh giá đạt “Xuất sắc” với các sản phẩm cụ thể lượng hóa được (nếu có).
- Không có thành viên nào bị kỷ luật.
Số lượng tập thể lãnh đạo, quản lý được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" theo từng đối tượng tập thể lãnh đạo, quản lý trực thuộc Đảng bộ Học viện. Mức xếp loại chất lượng của tập thể lãnh đạo, quản lý không được cao hơn mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đều đánh giá đạt cấp độ "Tốt" trở lên; những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ "Trung bình" trở lên.
- Không có thành viên nào bị kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
c) Hoàn thành nhiệm vụ
- Là tập thể chi bộ mà các tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt “Trung bình” trở lên.
- Không có thành viên nào bị kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
d) Không hoàn thành nhiệm vụ
Là tập thể chi bộ không đạt mức "Hoàn thành nhiệm vụ" hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
- Cấp có thẩm quyền kết luận mất đoàn kết nội bộ hoặc có thành viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
- Nội bộ cấp ủy mất đoàn kết trầm trọng; để xẩy ra những “điểm nóng” phức tạp, khiếu kiện kéo dài, cấp ủy không tập trung chỉ đạo giải quyết.
- Có bộ phận trực thuộc xảy ra các vụ, việc tham ô, tham nhũng và các vi phạm khác bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng).
- Bị xử lý kỷ luật hoặc có thành viên bị kỷ luật trong năm (một vi phạm bị xử lý kỷ luật chỉ tính một lần khi xếp loại).
3.4. Trách nhiệm, thẩm quyền
- Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện chủ trì, tổ chức thực hiện và xem xét, quyết định xếp loại chất lượng các cấp ủy đảng trực thuộc.
- Đảng ủy, chi ủy chi bộ tự đánh giá, xếp loại chất lượng.
- Các chủ thể có liên quan tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng: Các tổ chức đảng trực thuộc.
3.5. Cách thức thực hiện
Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng được quy định cụ thể cho từng loại hình đối tượng, tập thể lãnh đạo, quản lý tự phân tích chất lượng (xác định các cấp độ "Xuất sắc", "Tốt", "Trung bình", "Kém" cho từng tiêu chí đánh giá cụ thể); xem xét, tự nhận mức chất lượng theo Mẫu 02-KH KĐ.ĐG 2018 và báo cáo cấp ủy có thẩm quyền.
Bước 2: Các chủ thể tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng
Cấp ủy có thẩm quyền tổ chức để các chủ thể tham gia đánh giá thực hiện việc phân tích chất lượng, xem xét, đánh giá, xếp loại tập thể lãnh đạo, quản lý theo Mẫu 02-KH KĐ.ĐG 2018 và gửi kết quả về Ban Tổ chức Đảng ủy Học viện (đối với đánh giá cấp ủy cơ sở) để tổng hợp.
Bước 3: Quyết định mức xếp loại chất lượng
- Các ban của Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy Học viện đánh giá, xếp loại các chi bộ trực thuộc và gửi thông báo kết quả xếp loại về Ban Tổ chức Đảng ủy Học viện để tổng hợp.
- Ban Tổ chức Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy Học viện thẩm định kết quả tự đánh giá, kết quả tham gia đánh giá, các kết quả đánh giá hợp pháp khác của các chi bộ trực thuộc; trao đổi, làm rõ những nội dung các đơn vị đánh giá chưa thống nhất; tham mưu, đề xuất mức xếp loại chất lượng.
- Trên cơ sở đề xuất của Ban Tổ chức Đảng ủy Học viện, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Đảng bộ Học viện; Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện thảo luận, xem xét, bỏ phiếu kín quyết định xếp loại chất lượng đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tiến độ thực hiện
- Cấp cơ sở: Thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân hoàn thành trước 11 giờ 00 ngày 13/12/2018.
- Cấp Đảng ủy Học viện: Thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hoàn thành trước ngày 20/12/2018.
2. Căn cứ Kế hoạch này, Chi ủy trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký lịch họp chi bộ tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân ở cấp mình báo cáo Đảng ủy thông qua Văn phòng Đảng ủy để Đảng ủy phân công Đảng ủy viên đến dự và chỉ đạo.
3. Hồ sơ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng của tập thể, cá nhân được Chi ủy chi bộ hoàn thiện và có xác nhận của đại diện Chi ủy chi bộ nôp bản cứng về Đảng ủy trước 11 giờ 00 ngày 13/12/2018 tại Văn phòng Đảng ủy (phòng 106 nhà Hành chính), bản mềm gửi qua hòm thư bctdu29@vnua.edu.vn, vpdanguy@vnua,.edu.vn .
Hồ sơ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng của tập thể, cá nhân được Văn phòng Đang ủy quản lý theo quy định của Điều lệ Đảng.
Đảng ủy yêu cầu Các chi bộ triển khai thực hiện Kế hoạch này và nộp hồ sơ về Đảng ủy đảm bảo đúng thời hạn quy định
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Chi ủy các chi bộ, các đơn vị trong Học viện phản ánh kịp thời với đồng chí Đảng ủy viên phụ trách chi bộ (có danh sách kèm theo) hoặc về Ban Tổ chức Đảng ủy, Học viện (đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, số điện thoại 0912641428) và để được hướng dẫn cụ thể./.
Các biểu mẫu đính kèm
Nơi nhận: - Ban Thường vụ ĐUK, - án sự Đảng Bộ NN&PTNT HN; (để b/c) - Ban Tổ chức ĐUK; - UVBCH ĐB Hộc viện; - Các ban của Đảng ủy, (để chỉ đạo) - Các chi bộ trực thuộc; - Lưu Văn phòng VP. | T/M BAN THƯỜNG VỤ BÍ THƯ (Đã ký và đóng dấu)
Nguyễn Thị Lan |