Năm 2016 đánh dấu chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của khoa Cơ - Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là một chặng đường dài, lắng đọng nhiều dấu ấn tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Cơ - Điện. Với những thành tích trong công tác đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cán bộ khoa Cơ - Điện đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều phần thưởng cao quý khác... Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đã được tặng Huân chương Lao động.
Ngược dòng thời gian về 60 năm trước, theo Nghị định số 53 số 53/NL-NĐ do Bộ Nông Lâm ban hành ngày 12/10/1956, Trường Đại học Nông Lâm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay được thành lập với 4 ngành đào tạo là: Trồng trọt, Cơ khí nông nghiệp, Chăn nuôi thú y và Lâm học. Ngành Cơ khí nông nghiệp - tiền thân của khoa Cơ - Điện ngày nay nằm trong khoa Nông học. Việc thành lập khoa Cơ khí nông nghiệp cùng với thời điểm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp nước nhà theo hướng tiên tiến, hiện đại. Đến năm 1958, Học viện Nông lâm được thành lập, ngành Cơ khí nông nghiệp được tách khỏi khoa Nông học thành lập khoa Cơ khí nông nghiệp. Năm 1965, Khoa mở thêm ngành đào tạo Điện khí hóa nông nghiệp, từ đó khoa Cơ khí nông nghiệp được đổi tên thành khoa Cơ - Điện và mang tên đó đến ngày nay. Trưởng thành cùng năm tháng, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Khoa đã nỗ lực phấn đấu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Khoa phát triển thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về cơ điện nông nghiệp.
Trong trang sử truyền thống của Khoa lưu giữ nhiều thành tích đặc biệt của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên trường từ khi thành lập đến nay. Năm học 1958 - 1959, lần đầu tiên các giảng viên của Khoa cùng sinh viên đưa máy kéo về một số huyện như Thanh Oai (Hà Đông), Xuân Trường (Nam Định) để cùng địa phương xây dựng trạm máy kéo, cày bừa bằng máy trên đồng ruộng một số xã của hai huyện trên. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hàng trăm giảng viên, sinh viên của Khoa đã tạm chia tay giảng đường, gác tay bút cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Nhiều sinh viên, giáo viên đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh như liệt sỹ Lê Xuân Đĩnh, liệt sĩ Vương Đình Cung. Giai đoạn 1970 - 1975, thời kỳ giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, cán bộ, sinh viên khoa Cơ - Điện cùng sinh viên toàn trường đã tham gia chiến dịch xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở tỉnh Hải Dương, được Ủy ban hành chính tỉnh Hải Dương tặng thưởng Cờ “Đơn vị khá nhất trên công trường kênh Văn Giang”. Tháng 8 năm 1971, một trận lũ lịch sử xảy ra, sinh viên khoa Cơ - Điện tỏa về các hợp tác xã thuộc tỉnh Hà Đông, Sơn Tây tham gia trục vớt, sửa chữa hàng ngàn động cơ điêzen, động cơ điện, các máy công tác khác… để giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu máy móc phục vụ sản xuất. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, sinh viên, giảng viên của Khoa cùng với cán bộ, sinh viên toàn trường hăng hái tham gia chiến dịch cải tạo và xây dựng nông nghiệp các tỉnh Nam Bộ. Khoa đã chế tạo được nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất như: Máy thu hoạch sắn ĐS-1; máy cắt cói, máy lên vồng LV-2B; đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ giới hóa canh tác cây màu có củ” được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp;…
Ảnh bìa cuốn sách “Nhật ký thơ thời chiến của Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh”
Có thể thấy, từ khi thành lập đến nay Khoa luôn có mối liên kết chặt chẽ giữa công tác giáo dục đào tạo với thực tiễn sản xuất nông nghiệp nước nhà. Khoa đã đào tạo cho đất nước hơn 9.000 kỹ sư, 500 thạc sỹ và hàng chục tiến sỹ đã và đang phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và các ngành kinh tế quốc dân. Nhiều người đã thành đạt, trở thành các nhà khoa học giỏi, quản lý giỏi, doanh nghiệp giỏi.
Cán bộ viên chức trong Khoa
Cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước nói chung và sự lớn mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khoa Cơ - Điện ngày càng trưởng thành về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, quy mô đào tạo, thương hiệu của Khoa được khẳng định vững chắc. Không chỉ đào tạo cho đất nước nguồn lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, các công trình khoa học, đề tài nghiên cứu của Khoa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đã đóng góp rất lớn vào việc nâng cao năng suất lao động, sản lượng sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như: Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thiết kế hệ thống trích công suất đa điểm cho máy kéo nhỏ 4 bánh sản xuất tại Việt Nam; sản phẩm của đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sấy vải quả xuất khẩu theo phương pháp phối hợp đối lưu và bức xạ nhiệt” - sản phẩm đã được thương mại hóa, chuyển giao cho các vùng trồng vải ở Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh; sản phẩm của Dự án cấp Bộ: “Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo máy xích với công suất 30 mã lực phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp” - sản phẩm có khả năng kết nối, truyền động với nhiều loại máy nông - lâm nghiệp như cày, phay, xúc lật, san ủi… và di chuyển tốt trên đất dốc, đất có nền yếu. Nhiều sản phẩm công nghệ đã được giải thưởng cao khi tham gia Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam (Techmart) như: Hệ thống máy canh tác và thu hoạch sắn của TS Hà Đức Thái và cộng sự, đạt Cúp vàng Techmart 2009; Máy gặt đập liên hợp mini liên hợp với máy cày tay của TS Lê Văn Bích và cộng sự, đạt Cúp vàng Techmart 2012; Máy cắt và xếp hom sắn giống theo trật tự đầu đuôi của TS Hà Đức Thái và cộng sự, được cấp Bằng độc quyền sáng chế số 13448 theo Quyết định số 69045/QĐ-SHTT, ngày 17/11/2014.
Triển lãm máy gặt đập liên hợp mini (TS. Lê Văn Bích đứng bên phải)
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, khoa Cơ - Điện có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang và các thành tựu to lớn đã đạt được. Với niềm tự hào đó, thầy trò khoa Cơ - Điện hôm nay nguyện tiếp tục phấn đấu xây dựng Khoa phát triển về mọi mặt, đưa trình độ đào tạo của Khoa ngang tầm với trình độ các nước trong khu vực để xứng đáng với các thế hệ đi trước đã công hiến cho Khoa.