[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Sáng ngày 7/10/2019, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội thảo Bệnh lí Thú y châu Á lần thứ 9 (The 9th Asian Society of Veterianary Pathology Conference) chính thức khai mạc. Chủ đề của Hội thảo lần này là Kỷ nguyên mới của sức khỏe động vật: Bệnh lây truyền giữa người và động vật, bệnh truyền qua thực phẩm, bệnh mới nổi và ung thư.
Phát biểu khai mạc Hội thảo Bệnh lí Thú y châu Á lần thứ 9, GS TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, Hiệp hội bệnh lí thú y châu Á được thành lập từ năm 2003 tại Nhật Bản với mục tiêu tăng cường năng lực nghiên cứu về bệnh lý thú y của các nước trong khu vực. Trải qua 16 năm phát triển, Hiệp hội hiện có 9 nước thành viên bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Philipines, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam. Hai năm một lần, Hiệp hội tổ chức Hội nghị khoa học tại các nước thành viên để chia sẻ kết quả nghiên cứu, xây dựng các dự án hợp tác, nghiên cứu, hỗ trợ cùng nhau phát triển.
GS TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Cũng theo GS TS Nguyễn Thị Lan, năm 2018-2019, bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác làm bức tranh dịch bệnh trên châu Á và thế giới ngày càng phức tạp. Bênh cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác vẫn còn chưa kiểm soát được hiệu quả như bệnh truyền lây giữa người và động vật (cúm gia cầm, liên cầu khuẩn ở heo), bệnh ở động vật hoang dã và bệnh có nguồn gốc thực phẩm. Vì vậy, Hội thảo Bệnh lí Thú y châu Á lần này cũng là cơ hội để kết nối các nhà khoa học cùng chung tay nghiên cứu góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra.
Tham dự Hội thảo có 34 đại biểu quốc tế đến từ 12 nước thuộc châu Âu, châu Mỹ và châu Âu, cùng với 350 đại biểu Việt Nam từ các trường Đại học, Viện Nghiên cứu, Cơ quan quản lý, các tổ chức phi Chính phủ, phòng khám thú cảnh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y. Tại hội thảo, các nhà khoa học sẽ trình bày hơn 40 bài tham luận tại 3 tiểu ban, bao gồm Bệnh lý thú y, những thách thức mới của ngành chăn nuôi và các bệnh mới nổi. Ngoài ra, sẽ có hơn 60 tóm tắt kết quả nghiên cứu được trình bày dưới dạng poster.
“Tôi hi vọng qua Hội thảo này, những ý tưởng chia sẻ, thảo luận sẽ là thông tin hữu ích để khi trở về nước, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy, biến những ý tưởng thành hiện thực, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của thú y nói chung và lĩnh vực bệnh lý thú y nói riêng”, GS TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong thời gian tới, ngành chăn nuôi thế giới đang đứng trước nhiều thách thức và những nhiệm vụ nặng nề đặt ra như: phát triển về số lượng và chất lượng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền lây giữa động với người và nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, đã và đang tồn tại, ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành chăn nuôi.
Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Gần đây, ASF bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp tại hơn 20 quốc gia, đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi thế giới, kể cả các nước có điều kiện tốt về kiểm soát dịch bệnh.
Tại Việt Nam, ASF đã xảy ra tại hơn 8000 xã thuộc gần 700 huyện của 63/63 tỉnh, thành phố với tổng số heo phải tiêu hủy là trên 5 triệu con, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và an sinh xã hội, nhất là đối với người chăn nuôi.
Chính vì vậy, vai trò của Bác sĩ thú y hết sức quan trọng và ngày càng được củng cố và tâng cường; không chỉ dối với cơ quan nhà nước mà còn đối với khối tư nhân, doanh nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe động vật và duy trì sự phát triển bền vững.
Việc đầu tư nghiên cứu khoa học để hiểu rõ hơn các đặc điểm dịch tễ, cơ chế gây bệnh, cũng như để kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh động vật đang là một trong những ưu tiên ở nhiều quốc gia. Kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
Vì vậy, Hội thảo Bệnh lý thú y châu Á lần thứ 9 được tổ chức có ý nghĩa thiết thực để các cơ quan, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thú y và tình hình các loại dịch bệnh trên khu vực và trên thế giới.
“ Tôi tin trưởng rằng Hội thảo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thách thức trong quản lý thú y, cũng như các giải pháp kiểm soát các bệnh mới nổi. Từ đó, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ NN&PTNT cam kết ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành trong quản lí, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu hết sức cần thiết và có ý nghĩa này”, ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo bệnh lí Thú y châu Á lần thứ 9, các đại biểu sẽ được lắng nghe/chia sẻ thông tin từ các nhà khoa học bệnh lý thú y hàng đầu của thế giới và khu vực: Thái Lan, Nhật bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Ấn độ, Đài Loan, Indonesia… và những nhà khoa học đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y, Đại học Nông Lâm Huế… Đặc biệt, Hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả chính là những nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thú y như: TS. Aruna Ambagala – Phòng tham chiếu về ASF của OIE tại Canada, TS. Francisco Javier Salguero Bodes – Trung tâm Y tế Công cộng, Vương quốc Anh, GS. Achariya Sailasuta – Nguyên chủ tịch Hội Thú y châu Á…
Các diễn giả chính tại Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Bộ NN&PTNT
Hội thảo Bệnh lí Thú y châu Á lần thứ 9 có sự tài trợ của các doanh nghiệp như:
Tài trợ Kim Cương: Công ty Cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long, Công ty Cổ phần Thiết bị Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại Vật tư Khoa học kỹ thuật, Công ty BCE Việt Nam.
Tài trợ Vàng: Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học hợp nhất, Công ty Boehringer Ingelheim, Công ty MSD Việt Nam, Công ty Tân Việt, Công ty Hanvet…
Nhà tài trợ bạc: Công ty TNHH MTV Avet Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed, Công ty TNHH Olmix Việt Nam, Công ty Việt Pháp Quốc tế..
Nhà tài trợ khác: Công ty Cổ phần dinh dưỡng Hải Thịnh, Công ty Cổ phần Thú y Megavet, Công ty Anivet, Công ty Novus, Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5 – Fivevet, Công ty Cổ phần Thú y xanh…
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi trình bày báo cáo: Ngành chăn nuôi Việt Nam: Những cơ hội, thách thức và định hướng phát triển tới năm 2030.
Một diễn giả quốc tế trình bày tại Hội thảo
Gian hàng trưng bày, giới thiệu các thiết bị, máy móc phục vụ ngành chăn nuôi thú y của Công ty Cổ phần Thiết bị SISC Việt Nam
Công ty Cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long giới thiệu thiết bị, máy móc với đại biểu tham gia Hội thảo.
Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất trưng bày máy móc thiết bị phục vụ ngành chăn nuôi thú y
HÀ NGÂN - http://nhachannuoi.vn/