QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam nằm ở phía Đông thành phố Hà Nội, trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, có diện tích khuôn viên 192 ha. Học viện được thành lập ngày 12/10/1956 theo Nghị định số 53/NĐ-NL của Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ ngày thành lập đến nay Học viện đã 6 lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu phát triển: Đại học Nông Lâm (1956 -  1958), Học viện Nông Lâm (1958-1963), Đại học Nông nghiệp (1963-1967), Đại học Nông nghiệp I (1967-2008), Đại học Nông nghiệp Hà Nội (từ 2008), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (từ 2014).

Khi mới thành lập, Học viện có 3 khoa: Nông học, Chăn nuôi Thú y và Lâm học với 4 chuyên ngành đào tạo, đội ngũ cán bộ gồm 27 giáo viên và gần 500 sinh viên.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, quy mô đào tạo, đội ngũ và cơ sở vật chất của Học viện không ngừng tăng lên. Đến năm 2011 Học viện có 13 Khoa: Nông học; Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Thú y; Cơ điện; Kinh tế và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Kế toán và Quản trị kinh doanh; Công nghệ thực phẩm; Công nghệ sinh học; Công nghệ thông tin; Sư phạm và Ngoại ngữ; Lý luận chính trị xã hội; Giáo dục quốc phòng. Toàn trừờng có 73 Bộ môn, 13 đơn vị phòng, ban chức năng và 17 Viện, Trung tâm, Công ty; 1.280 cán bộ viên chức, trong đó có 703 cán bộ giảng dạy. Lực lượng cán bộ giảng dạy đang làm việc có 3 Giáo sư, 72 Phó giáo sư, 104 Tiến sỹ, 351 Thạc sỹ. Trong số các cán bộ giảng dạy đã có 6 người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 80 Nhà giáo ưu tú,1 Anh hùng lao động, 2 Nhà giáo được giải thưởng Hồ Chí Minh, 2 nhà khoa học nữ được giải thưởng Kovalepskaia.        

Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, Học viện đã thực hiện đổi mới toàn diện, phát triển để trở thành Học viện nghiên cứu theo hướng đa ngành. Hiện nay, Học viện đang đào tạo 46 ngành và chuyên ngành đại học, 16 chuyên ngành thạc sĩ, 19 chuyên ngành tiến sĩ. Bên cạnh việc phát huy những ngành truyền thống trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Học viện đã phát triển một số ngành mới: Công nghệ thực phẩm, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Điện khí hóa nông thôn; Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Nuôi trồng thuỷ sản, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Xã hội học nông thôn, Khuyến nông và phát triển nông thôn. Từ năm học 2006-2007, Học viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo đại học Chương trình tiên tiến ngành Khoa học cây trồng hợp tác với Đại học California Davis (Hoa Kỳ), Chương trình tiên tiến Quản trị kinh doanh hợp tác với Đại học Wisconsin (Hoa Kỳ); hợp tác với Đại học Wanigen (Hà Lan) đào tạo chuyên ngành Rau hoa quả và cảnh quan; hợp tác với Đại học Liege (Bỉ) đào tạo cao học ngành Xã hội học nông thôn. Học viện có quan hệ hợp tác với hơn 80 trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế ở các nước trên thế giới.

Học viện đã đầu tư các phòng thí nghiệm cho các khoa với trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ, dự án Giáo dục đại học (TRIG), dự án JICA, qua đó đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học và thực hành của sinh viên. Học viện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng: Nhà ở sinh viên, nhà làm việc, vườn thực vật, hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống giảng đường và phòng học, phòng thí nghiệm, tạo điều kiện phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập của cán bộ và sinh viên.

Tính đến tháng 9/2011, Học viện đã đào tạo cho đất nước 62.839 kỹ sư và cử nhân; 3.370 thạc sĩ và 332 tiến sĩ, nhiều cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp và kỹ thuật viên. Học viện cũng đào tạo cho các nước CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia, CHDCND Trung Hoa hàng trăm kỹ sư, Bác sĩ thú y; 11 tiến sĩ, 27 thạc sĩ. Học viện đã liên kết đào tạo với hơn 40 tỉnh, thành phố, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo vừa có trình độ chuyên môn, vừa có phẩm chất chính trị vững vàng, đã và đang là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng nông thôn mới ở khắp đất nước.

Quy mô đào tạo tăng mạnh những năm gần đây, hàng năm Học viện tuyển mới 5.200- 5.500 sinh viên chính quy, hơn 1.500 sinh viên hệ vừa làm vừa học và liên thông, hoàn chỉnh kiến thức; 1.200 học viên cao học và 60 nghiên cứu sinh. Quy mô sinh viên của trường ở tất cả các hệ đào tạo hiện nay là 25.000 người.

Các nhà khoa học của Học viện đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ, cấp Tỉnh…, đề xuất nhiều tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất và quản lý mới, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Đưa vào sản xuất nhiều giống lúa: Việt lai 20, Bắc thơm 7, Bắc ưu 253, lúa lai TH 3-3, 4 tổ hợp lúa lai 2 dòng,…, đã chọn tạo 5 giống đậu phẩm chất tốt, 4 giống cà chua xuân hè: MV1, HT7, HT9, HT14 chịu nhiệt…

Chế tạo thành công một số vacxin chịu nhiệt, vacxin dịch tả vịt, chế phẩm sinh học để phòng và trị bệnh Gumboro, quy trình sử dụng Vitamin C cho gà; nhiều tiến bộ mới về chăn nuôi, thú y được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Triển khai các chương trình điều tra, quy hoạch sử dụng đất đai, lập bản đồ đất, quy hoạch đất dân cư; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương. Nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp canh tác bền vững…

Điều tra và xây dựng mô hình quản lý trang trại cho các tỉnh, mô hình kinh tế hộ gia đình nông thôn, giúp nhiều địa phương hoạch định các chính sách và chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới được đánh giá cao.

Nghiên cứu chế tạo nhiều mẫu máy: máy băm vùi thân lá mía, máy chọn hạt và đánh bóng hạt xuất khẩu, máy ấp trứng gia cầm, máy bóc lạc, máy tẽ ngô hộ gia đình, máy bơm trục đứng, cày không lật, máy chăm sóc giữa hàng, máy chế biến cà phê theo phương pháp ướt, máy sấy bằng bức xạ hồng ngoại…

Nghiên cứu đưa vào ứng dụng nhiều quy trình chế biến, bảo quản nông sản theo công nghệ mới.

Đã có hơn 766 công trình khoa học của sinh viên tham dự và đoạt các giải sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT, giải VIFOTEX do Hội liên hiệp KHKT Việt Nam tổ chức. Nhiều năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ NN và PTNT tặng Bằng khen về thành tích nghiên cứu khoa học.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của nhiều thế hệ thầy và trò, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vị trí là một trong 16 trường trọng điểm quốc gia, một trung tâm khoa học công nghệ có uy tín của đất nước. Học viện đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và nhiều huân, huy chương của Nhà nước, bằng khen của các Bộ ngành, các địa phương và nước ngoài trao tặng.

Đảng bộ Học viện, Ban Giám đốc Học viện, tổ chức Công đoàn Học viện, Đoàn thanh niên Học viện luôn là một khối đoàn kết thống nhất, phối hợp hành động để xây dựng thành một đơn vị vững mạnh toàn diện, liên tục phát triển.

Qua 55 năm xây dựng và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam quyết tâm xây dựng Học viện xứng đáng là trường đa ngành có chất lượng cao về đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước phấn đấu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

 

* Hiệu trưởng qua các giai đoạn:


GS. Bùi Huy Đáp

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1956-1958


Trần Hữu Dực

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1959 - 1960


Chu Văn Biên

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1960 - 1962


Nguyễn Đăng

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1963 - 1975


GS.TS.NGND. Lê Duy Thước

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1976 - 1983


GS.TS.NGND. Trần Thị Nhị Hường

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1984 - 1992

 

GS.TSKH.NGND. Cù Xuân Dần 

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1992 - 1996

 

GS.TS.NGUT. Nguyễn Viết Tùng

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

1996 - 2001

 

GS.TS.NGUT. Đặng Vũ Bình

Hiệu trưởng nhiệm kỳ

2001 - 2006

 

GS.TS.NGUT. Trần Đức Viên

Giám đốc nhiệm kỳ 2006 - 2015