TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: TRƯƠNG THỊ MỸ HẠNH
1.Tên luận án: Nghiên cứu xác định động vật thủy sinh chủ yếu mang virus gây bệnh đốm trắng ở tôm nuôi nước lợ tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2015
Năm tốt nghiệp 2018
Chuyên ngành: Dịch tễ học Thú
Mã số: 9.64.01.08
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Phan Thị Vân - 2. PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Lệ
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Hai nội dung chính được thực hiện trong luận án bao gồm: Điều tra hiện trạng vùng nuôi, đánh giá mối nguy liên quan đến tôm nuôi bị bệnh đốm trắng tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An và Nam Định thông qua bộ câu hỏi. Nghiên cứu xác định một số động vật thủy sinh chủ yếu mang vi rút đốm trắng tại vùng nuôi tôm nước lợ ở Nghệ An, Nam Định và Quảng Ninh
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Luận án đã góp phần cung cấp các thông tin quan trọng về thực hành nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở vùng nuôi tôm nước lợ tại Nghệ An, Quảng Ninh và Nam Định. Luận án đã chỉ ra 8 yếu tố nguy cơ có liên quan đến nguyên nhân tôm nhiễm bệnh đốm trắng ở vùng nuôi bao gồm: lấy nước vào ao không qua hệ thống ao lắng, không sử dụng lưới lọc khi lấy nước, thả giống với cỡ nhỏ hơn post 10, không giảm sốc khi thả tôm nuôi, bổ sung nước vào ao nuôi trong quá trình nuôi, ao nằm trong vùng nuôi có ao bệnh, không kiểm tra môi trường nước ao nuôi thường xuyên và xuất hiện giáp xác trong ao nuôi.
Kết quả nghiên cứu của luận án đã thống kê, xác định được 23 loài động vật thủy sinh trong đó có 16 loài xuất hiện nhiều với số lượng lớn hơn được xác định là loài động vật thủy sinh chủ yếu, chúng bao gồm tôm rảo, tôm càng, tôm gai, cáy đỏ, nòng nọc ếch, ốc đinh, cá bống và 9 loài động vật phù du (Branchionus angularis, B. budapestinensis, B. calyciflorus, B. plicatilis, B. ucreus, Polyarthra, Microsetella norvegica, Neocalanus gracilis và Oithona nana).
Kết quả nghiên cứu của luận án đã ghi nhận được 3 loài động vật thủy sinh mang vi rút và có khả năng truyền bệnh đốm trắng cho tôm nuôi. Trong đó một loài tôm càng (Macrobranchium nipponense) mang vi rút đốm trắng thu được ở tự nhiên và hai loài còn lại là cáy đỏ (Uca arcuata) và tôm gai (Exopalaemon carinicauda) mang vi rút đốm trắng trong điều kiện thí nghiệm.
Luận án đã bổ sung vào thành phần sinh vật mang mầm bệnh đốm trắng tại Việt Nam và cả trên thế giới, trong đó 3 loài lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam và bổ sung thêm được 1 loài mới (Uca arcuata) vào danh sách các sinh vật mang WSSV cho thế giới. Kết quả là cơ sở khoa học góp phần đề xuất giải pháp hạn chế rủi ro bệnh dịch, nâng cao hiệu quả cho nghề nuôi tôm nước lợ ở 3 vùng nghiên cứu nói riêng và ở Việt Nam nói chung.