TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: LÊ HỒNG VÂN
1.Tên luận án: Nghiên cứu phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại tỉnh Thái Bình
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2011
Năm tốt nghiệp 2018
Chuyên ngành: Kinh tế Nông Nghiệp
Mã số: 9.62.01.15
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: TS. Nguyễn Tất Thắng; PGS.TS. Trần Hữu Cường
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Luận án đã hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn phát triển sản xuất dâu tằm bền vững. Từ việc phân tích khái niệm, xác định mục tiêu và xây dựng nội dung nghiên cứu, luận án đã tiến hành thảo luận về phương pháp đánh giá phát triển sản xuất dâu tằm bền vững. Qua xem xét tình hình phát triển sản xuất dâu tằm trong và ngoài nước cho thấy sản xuất dâu tằm vẫn có triển vọng phát triển và phát triển bền vững. Từ đó đúc rút được 7 bài học kinh nghiệm cho phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại tỉnh Thái Bình nói riêng và các địa phương trồng dâu nuôi tằm nước ta nói chung.
Luận án đã đánh giá thực trạng phát triển sản xuất dâu tằm tỉnh Thái Bình giai đoạn 2006 -2015. Khảo sát 352 hộ và số liệu thống kê cho thấy sản xuất đã thu hẹp nhiều theo chiều rộng, nhưng có bước tiến đáng kể theo chiều sâu. Mức độ phát triển theo chiều sâu chưa đủ bù đắp được mức sụt giảm theo chiều rộng nên sản xuất là kém phát triển, mức độ bền vững chỉ đạt 24/40 điểm. Để sản xuất dâu tằm phát triển bền vững, Thái Bình cần quay lại nuôi tằm lấy tơ nhưng là nuôi tằm kén trắng, kết hợp với ươm tơ tự động thì mới phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường. Để thay đổi định hướng sản xuất cần thực hiện đồng bộ 10 giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nuôi tằm con tập trung, kiện toàn hệ thống các tác nhân, nâng cấp công nghệ nuôi tằm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
- Đã làm rõ phát triển sản xuất dâu tằm bền vững là quá trình thực hiện các nội dung như quy mô, tổ chức, đầu tư, kỹ thuật, liên kết để tạo ra sản phẩm kén tằm ngày càng tăng dần về lượng, tiến bộ về chất, đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa kinh tế với xã hội và môi trường trong hiện tại cũng như tương lai. Nghiên cứu cũng đã làm rõ các vấn đề như vai trò, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng, tiêu chí đánh giá phát triển sản xuất dâu tằm bền vững (về kinh tế, về xã hội và về môi trường).
- Đã xây dựng được phương pháp tiếp cận, khung phân tích cho nghiên cứu, bộ chí tiêu đánh giá phát triển sản xuất dâu tằm bền vững và sử dụng cách cho điểm theo các tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển bền vững của sản xuất dâu tằm tỉnh Thái Bình. Cách đánh giá này có giá trị tham khảo tốt cho các đề tài nghiên cứu về phát triển sản xuất bền vững những sản phẩm nông nghiệp tương tự.
- Đã tổng kết thực tiễn phát triển sản xuất dâu tằm bền vững ở một số nước trên thế giới và một số địa phương trong nước, từ đó đúc rút thành 7 bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thái Bình nói riêng và sản xuất dâu tằm nước ta nói chung.
- Kết quả luận án là cơ sở khoa học cho việc định hướng và đưa ra giải pháp phát triển sản xuất dâu tằm bền vững, có giá trị tham khảo tốt cho các nhà quản lý, các nhà chỉ đạo sản xuất, các nhà nghiên cứu và giảng dạy. Các giải pháp mà luận án đề xuất cho tỉnh Thái Bình có giá trị tham khảo cho nhiều địa phương trồng dâu nuôi tằm khác.