TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: KIM SUN HO
1.Tên luận án: Cải thiện sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, Việt Nam
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2015
Năm tốt nghiệp 2018
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Luận án thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tập trung nghiên cứu sâu ở một số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Luận án đã đánh giá thực trạng các nguồn lực sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, các hoạt động sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua, cũng như các chính sách, các hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm phát triển sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số. Luận án cũng xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số từ đó là căn cứ để đề xuất các giải pháp căn bản nhằm phát triển sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Về lý luận, luận án đã luận giải các phương pháp tiếp cận cũng như các khung phân tích phát triển sinh kế của IFAD, DFID, từ đó xác định phương pháp tiếp cận của DFID là phù hợp trong nghiên cứu phân tích cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Các yếu tố nguồn lực đất đai, nguồn lực con người có ảnh hưởng quyết định đến cải thiển sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số.
Về thực tiễn, luận án đã chỉ ra được thực tế về các nguồn lực sinh kế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như các hoạt động sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Ở đây các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn nghiên cứu có điều kiện kinh tế khó khăn với trên 50% sộ hộ nghèo, trình độ dân trí tương đối thấp, tỷ lệ tái mù chữ còn cao.
Luận án đã chỉ ra được nguyên nhân của những hạn chế này là do quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ của các nhà nước, tổ chức đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn được thực hiện thông suốt, hợp lý. Các hộ dân tộc thiểu số vẫn gặp khó khăn về nguồn lực con người và nguồn lực đất đai do đó khả năng đa dạng hóa sinh kế để giảm thiểu rủi ro còn thấp. Chính vì vậy, cần thay đổi cách thức thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hướng chính sách tới mục tiêu trọng tâm là tạo điều kiện cải thiện các nguồn lực con người, các tiếp cận thị trường cho đồng bào dân tộc thiểu số để họ có thể nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hộ.