TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: ĐÀO XUÂN THẮNG
1.Tên luận án: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá cho đánh bắt xa bờ tại tỉnh Quảng Ninh
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2014
Năm tốt nghiệp 2019
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9310105
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS Nguyễn Phượng Lê. 2. PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Dịch vụ hậu cần nghề cá đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động ĐBXB. Tuy nhiên, có thể nói dịch vụ hậu cần nghề cá cho ĐBXB của nước ta nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân: hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; các loại hình dịch vụ cung cấp còn đơn điệu và thiếu đồng bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư công thấp, phương thức đầu tư đối tác công tư chưa phát triển. Chính vì vậy giải pháp đột phá nhằm phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá cho ĐBXB ở tỉnh Quảng Ninh là huy động được sự tham gia của khu vực tư vào phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá một cách đồng bộ và hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ của các tàu ĐBXB.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Về lý luận: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá bao gồm 2 nội dung quan trọng đó là phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, chợ cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, và tàu cung cấp dịch vụ trên biển) và hoạt động cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá (neo đậu, trú tránh, cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm và thông tin).
Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cả cơ sở cung cấp dịch vụ và các hoạt động dịch vụ hậu cần cho ĐBXB ở tỉnh Quảng Ninh đều chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của tàu ĐBXB. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá cho ĐBXB được phát hiện từ nghiên cứu gồm: Chính sách phát triển, quy hoạch phát triển, nguồn lực của khu vực công, đối tác công tư, năng lực của các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cho ĐBXB và sự sẵn có của các vùng lân cận, điều kiện thời tiết và an ninh trên biển có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá cho ĐBXB.
Về phương pháp: Đề tài đã sử dụng kết hợp các phương pháp định lượng với định tính, truyền thống với hiện đại (thang đo Likert, phân tích nhân tố khám phá) để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ hậu cầu nghề cá cho ĐBXB ở Quảng Ninh. Qua đó đã chỉ ra đầu tư công cho phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá cho ĐBXB là yếu tố ảnh hưởng nhất.