TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN HẢI NÚI
1.Tên luận án: Phát triển sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng ở Bắc Kạn
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2014
Năm tốt nghiệp 2019
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: TS. Nguyễn Quốc Chỉnh và PGS. TS. Đỗ Quang Giám
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Phát triển sinh kế cho người dân phụ thuộc vào rừng là vấn đề quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh ở vùng cao Bắc Kạn, người dân dần bị hạn chế quyền tiếp cận nguồn tài nguyên rừng, dẫn tới sinh kế của họ phát triển thiếu bền vững, chiến lược sinh kế còn phụ thuộc nhiều vào rừng, hoạt động và kết quả sinh kế còn hạn chế. Nguồn vốn sinh kế hạn chế, hệ thống chính sách chưa đồng bộ. Trên cơ sở đó, đề tài cũng đề xuất hệ thống giải pháp nhằm phát triển sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng ở Bắc Kạn trong thời gian tới.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Về lý luận: Đề tài đã hệ thống hoá và làm rõ lý luận phát triển sinh kế bền vững cụ thể cho người dân phụ thuộc vào rừng. Đó là đảm bảo sự cân đối ở cả ba khía cạnh là kinh tế, xã hội, và môi trường (được phản ánh tổng hợp trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa sự lâu bền và tính ổn định) cho hộ dân phụ thuộc vào rừng. Đây là một quá trình bao gồm từ việc xem xét chính sách phát triển sinh kế bền vững của các cấp chính quyền địa phương, xây dựng chiến lược sinh kế, hoạt động phát triển sinh kế đến việc đánh giá kết quả sinh kế bền vững dưới sự ảnh hưởng của nguồn vốn sinh kế, và bối cảnh phát triển sinh kế.
Về phương pháp: Đề tài sử dụng linh hoạt các tiếp cận “khung phân tích sinh kế” như một khung phân tích phát triển sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng trên địa bàn một tỉnh. Đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại và phù hợp như so sánh kết hợp với các công cụ kiểm định thống kê để xem xét sự khác biệt về các chỉ tiêu giữa ba nhóm phụ thuộc vào rừng; phương pháp hồi quy (đa biến, logarit thứ bậc, nhị phân) để xem xét các nhân tố ảnh hưởng; phương pháp phân tích thang đo bền vững kết hợp với thang đo Likert để đánh giá tính bền vững trong phát triển sinh kế.
Về thực tiễn: Tổng kết sáu bài học kinh nghiệm cho phát triển sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng; Đề tài cung cấp cơ sở dữ liệu về chiến lược sinh kế, hoạt động phát triển sinh kế, kết quả phát triển sinh kế, và tính bền vững trong phát triển sinh kế của hộ, các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng. Đồng thời, tỷ trọng thu nhập từ rừng của hộ dân là gần 30% và có sự khác biệt giữa các nhóm, nguồn vốn sinh kế được coi là yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự phát triển sinh kế bền vững cho người dân phụ thuộc vào rừng. Các đóng góp này có giá trị tham khảo tốt cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và giảng dạy. Các giải pháp mà luận án đề xuất cho tỉnh Bắc Kạn có giá trị tham khảo cho nhiều địa phương khác.