TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: THÁI THỊ NHUNG
1.Tên luận án: Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì, thành phố Hà Nội
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2017
Năm tốt nghiệp 2025
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Với lợi thế là Thủ đô "ngàn năm văn hiến", có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, mang những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống,... Hà Nội là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch (SPDL). Trong đó, cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì là một trong sáu cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2012 trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Những năm qua, cụm du lịch đã có sự phát triển đáng kể, thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách du lịch không ngừng tăng lên và SPDL từng bước được đa dạng hóa. Tuy nhiên sau hơn 12 năm, cụm du lịch này vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong số các địa danh nổi tiếng của Việt Nam; tiềm năng và thế mạnh từ các SPDL trên địa bàn cụm chưa được khai thác hợp lý; SPDL còn manh mún, nhỏ lẻ và đơn điệu, chưa mang được giá trị thương hiệu riêng; khả năng cạnh tranh còn yếu kém; không có tính chiến lược dài hạn; số lượng SPDL chưa đa dạng, còn thiếu những SPDL đặc trưng, hấp dẫn, đặc biệt là thiếu những SPDL đặc sắc gắn với sinh thái, sản xuất nông nghiệp, di sản văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề ở các huyện ngoại thành Hà Nội; chất lượng SPDL chưa được du khách đánh giá cao. Do vậy, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì, thành phố Hà Nội là rất cần thiết, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển SPDL trên địa bàn cụm trong thời gian tới.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Đề tài luận án đã luận giải và làm rõ các vấn đề lý luận về phát triển SPDL, cụm du lịch. Cụ thể, luận án đã làm rõ nội hàm của phát triển SPDL theo nghĩa cụm vượt khỏi không gian về hành chính, thực hiện ở góc độ liên kết của các điểm du lịch ở các địa phương. Các nội dung phát triển SPDL cũng được tiếp cận theo hướng cụm du lịch chứ không phải riêng rẽ của từng điểm du lịch hay từng địa phương. Nghiên cứu đã vận dụng và bổ sung vào lý luận kinh tế phát triển về phát triển SPDL với những bình luận và cách tiếp cận mới. Cơ sở lý thuyết này là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu về du lịch, phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Sản phẩm của đề tài gồm có báo cáo luận án, các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành đã góp phần bổ sung và làm phong phú thêm tài liệu tham khảo cho ngành kinh tế tại các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu.
Phân tích thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển SPDL trên địa bàn cụm cho thấy, cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì chưa thực sự trở thành một cụm du lịch mà chỉ mới tồn tại ở mức độ liên kết về du lịch. Tuy nhiên, liên kết này cũng còn rất yếu ớt khi các địa phương không có một cơ chế hoạt động thực sự, không có một bộ máy để thúc đẩy phát triển SPDL trong dài hạn. Các SPDL trên địa bàn cụm mới dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và thiếu sự đổi mới. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển các SPDL trên địa bàn một cách hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Đề tài là nghiên cứu đầu tiên về phát triển SPDL trên địa bàn cụm du lịch Sơn Tây – Ba Vì, nên có thể trở thành cơ sở thực tiễn để các cụm du lịch khác trong cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng có thể nghiên cứu tham khảo. Khung lý thuyết cho các Bộ ban ngành, nhất là Sở du lịch thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội có thể ban hành chính sách và giải pháp nhằm phát triển các SPDL trên địa bàn thời gian tới. Hướng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu bổ ích sử dụng cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và du lịch. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thể vận dụng tương ứng các nhóm giải pháp để phát triển du lịch một cách có hiệu quả trong thời gian tới.