TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN THỊ HUYỀN CHÂM
1.Tên luận án: Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2018
Năm tốt nghiệp 2023
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9.31.01.05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: GS.TS Phạm Bảo Dương và TS. Nguyễn Tất Thắng
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nghiên cứu phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp gồm nghiên cứu về sự gia tăng về số lượng các
DN, sự chuyển dịch cơ cấu các DN theo hướng tiến bộ, sự gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả kinh doanh và đóng góp đối với địa phương của các DN.
Luận án đã nghiên cứu thực trạng phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố
Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian qua có sự gia tăng về số lượng DN, theo loại hình DN và theo lĩnh vực hoạt động; Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tiến bộ, gia tăng tỷ trọng của DN thuộc khu vực tư nhân. Giai đoạn điều tra khảo sát từ 2019-2021 cho thấy các DN gặp cú sốc Covid-19 nên năng lực sản xuất kinh doanh biến động theo hướng tiêu cực, tuy nhiên hệ số nợ ghi nhận được trong thời gian này đều nhỏ hơn 1, ở mức an toàn cho biết trong giai đoạn khó khăn đó các DN quản lý nợ khá tốt. Các chỉ tiêu ROA, ROE của các DN này đều thấp hơn DN khối nông lâm thủy sản cả nước ở cùng thời điểm mốc so sánh năm 2020. Tình hình thu hút lao động trong các DN này cho thấy xu hướng giảm ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cho thấy khu vực nông nghiệp đang ngày càng trở nên kém hấp dẫn lao động hơn các lĩnh vực khác. Đây cũng chính là thách thức cho các DNNVV sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố trong tương lai. Năng lực cạnh tranh của các DNNVV sản xuất nông nghiệp Hà Nội trên ba khía cạnh, gồm tài sản cạnh tranh, tiến trình cạnh tranh và năng lực cạnh tranh. Nhìn chung các DN này có năng lực cạnh tranh thấp so với DNNNV lĩnh vực khác và DN thuộc khối nông lâm nói chung. Xét theo hai loại hình DN, Công ty CP có năng lực cạnh tranh tốt hơn so với nhóm công ty TNHH.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố có ảnh hưởng đến phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Các chủ trương chính sách trợ giúp DN còn bộc lộ nhiều bất cập. Thành phố Hà Nội chưa có chính sách đặc thù trợ giúp các DN này. Đầu tư công và cơ sở hạ tầng ở những khu vực xa trung tâm thành phố còn bộc lộ nhiều hạn chế. Do chủ yếu các DN này thuộc quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế dẫn đến khả năng tiếp cận công nghệ trong sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Hệ thống hóa và làm sáng tỏ cơ sở lý luận về phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp. Luận án cũng làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp. Từ đó, luận án xây dựng khung phân tích nghiên cứu phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp trên phạm vi khu vực một tỉnh/ thành phố. Đây có thể là nguồn tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo với chủ đề tương tự ở địa phương khác.
Luận án đã đề xuất các giải pháp nhằm phát triển DNNVV sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành
phố Hà Nội gồm: i) Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN; ii) Nâng cao chất lượng đầu tư công và dịch vụ công; iii) Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực; iv) Tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ; v) Tăng cường liên kết giữa DN và đối tác.