TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: PHÙNG HUY VINH
1.Tên luận án: Phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2017
Năm tốt nghiệp 2023
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp
Mã số: 9.31.01.05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Ngô Thị Thuận - 2. TS. Nguyễn Công Tiệp
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Chăn nuôi gia cầm của Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về sản xuất thịt gia cầm và là một trong 10 quốc gia có sản lượng vịt và trứng vịt lớn nhất thế giới (FAO, 2021). Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn mức trung bình của toàn ngành nông nghiệp. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là khoảng 5,5% so với năm 2019 và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi gia cầm là hơn hơn 9%. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là phát triển tự phát, nhỏ lẻ, phân tán, xen kẽ trong khu dân cư, thiếu liên kết, chậm đổi mới kỹ thuật, gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, chất lượng không đảm bảo và hiệu quả kinh tế chưa cao. Chăn nuôi gia cầm của Hà Nội cũng không đứng ngoài thực trạng trên. Nghiên cứu phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất cần thiệt và có ý nghĩa trong việc định hướng phát triển ngành nông nghiệp của thành phố.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Đề tài luận án đã luận giải và làm rõ khái niệm, nội dung đánh giá phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên 3 trụ cột (i) bền vững về mặt kinh tế (qui mô, cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế); (ii) bền vững về mặt xã hội (giải quyết việc làm; tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và các tệ nạn xã hội trong nông thôn; cung cấp sản phẩm an toàn và chất lượng); (iii) bền vững về môi trường (xử lý chất thải, bảo vệ môi trường), trong đó bền vững về kinh tế có vai trò quan trọng và quyết định. Luận án đã vận dụng lý luận về phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp để đánh giá phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm. Các nội dung phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm ở địa phương cần phải đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là tránh ô nhiễm môi trường ở các vùng chăn nuôi, giảm thiểu dịch bệnh và ổn định tiêu thụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: điều kiện tự nhiên, Cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi gia cầm của Hà Nội; Thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm của thành phố Hà Nội; Cơ sở hạ tầng và dịch vụ; Nhu cầu và thị trường người tiêu dùng; Nguồn lực cơ sở chăn nuôi gia cầm; Hiểu biết và ứng xử của người chăn nuôi gia cầm. 7 nhóm yếu tố này đã được kiểm định bằng phương pháp nhân tố khám khá, chạy hàm hồi quy và cho thấy có ảnh hưởng tích cực (cả 7 biến đều có hệ số dương và có ý nghĩa thống kê).
Để phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Quản lý quy hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm; Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm; Tổ chức sản xuất và tiêu thụ gia cầm theo chuỗi giá trị; Tăng cường nguồn lực cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm; Nâng cao hiểu biết và nhận thức cho người chăn nuôi gia cầm; Áp dụng khoa học công nghệ mới vào chăn nuôi; Tăng cường quản lý ngành về chăn nuôi gia cầm.