TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: VŨ THỊ HẰNG NGA
1.Tên luận án: Liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ rau ở tỉnh Hải Dương
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2018
Năm tốt nghiệp 2023
Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
Mã số: 9.34.01.10
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS Trần Hữu Cường
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong SX và TT nông sản và phát triển ứng dụng mô hình SCP kết hợp cách tiếp cận chuỗi của ngành hàng rau, luận án đánh giá thực trạng liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau ở tỉnh Hải Dương qua ba nội dung: (i) Cấu trúc liên kết; (ii) tổ chức vận hành liên kết; và (iii) kết quả và hiệu quả liên kết.
Nghiên cứu kết hợp các phương pháp định tính và định lượng phân tích đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau ở tỉnh Hải Dương với các mức độ ảnh hưởng khác nhau, cụ thể: (i) Đặc điểm của HND; (ii) Đặc điểm của DN; (iii) Đặc điểm của loại rau trồng; (iv) Hệ thống cơ sở hạ tầng; (v) Đặc điểm của thị trường tiêu thụ; (vi) Thể chế, tổ chức, chính sách của Nhà nước và địa phương; và (vii) Cam kết tham gia liên kết trong SX và TT rau và tiếp cận thị trường tiêu thụ.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau ở Hải Dương thời gian tới được đề xuất, gồm: (i) Nhóm giải pháp về hoàn thiện chính sách hỗ trợ và quản lý thực hiện liên kết của tỉnh Hải Dương; (ii) Nhóm giải pháp chung cho HND và DN tham gia liên kết; (iii) Nhóm giải pháp cho các HND tham gia liên kết; và (iv) Nhóm giải pháp cho DN tham gia liên kết.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Thứ nhất: Luận án là công trình đã luận giải những lý luận về liên kết giữa HND và DN trong SX và TT nông sản và phân tích lý thuyết về mô hình SCP kết hợp cách tiếp cận chuỗi của ngành hàng rau, tác giả đề xuất mô hình ứng dụng SCP cho nghiên cứu liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau ở tỉnh Hải Dương.
Thứ hai: Luận án đã xây dựng được nội dung khung phân tích của nghiên cứu, trong đó nhấn mạnh đến ứng dụng mô hình SCP gồm có nội dung về cấu trúc liên kết, tổ chức vận hành (thực hiện) liên kết, và kết quả và hiệu quả liên kết trong phân tích liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau.
Thứ ba: Luận án đã đánh giá thực trạng liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau ở tỉnh Hải Dương, chỉ ra sự khác biệt giữa các mô hình liên kết, hình thức liên kết, giữa các nhóm hộ trồng rau chủ lực và các nhóm hộ SX có chứng nhận rau tiêu chuẩn/an toàn.
Thứ tư: Luận án kiểm định và phân tích các nhóm yếu tố liên kết giữa HND và DN trong SX và TT rau ở tỉnh Hải Dương và sử dụng mô hình hồi quy dường như không liên quan (SUR) và mô hình hồi quy logistics nhị thức (LR) để phân tích sự khác biệt của các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn thị trường tiêu thụ của HND liên kết (những hộ có tham gia tiêu thụ ở cả 3 thị trường là hợp đồng, tư thương địa phương và bán lẻ ở chợ địa phương).
Thứ năm: Luận án đã đề xuất các nhóm giải pháp cùng các khuyến nghị về hoàn thiện chính sách hỗ trợ và quản lý thực hiện liên kết của tỉnh Hải Dương và các giải pháp cho HND và DN tham gia liên kết trong SX và TT rau, nhằm thúc đẩy liên kết này trong thời gian tới; bảo vệ quyền lợi HND và DN tham gia liên kết.