TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: HOÀNG ANH TUẤN
1.Tên luận án: Chọn lọc nâng cao năng suất sinh trưởng của gà Mía bằng chỉ thị phân tử
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2017
Năm tốt nghiệp 2023
Chuyên ngành: Chăn nuôi
Mã số: 9 62 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS. TS. Bùi Hữu Đoàn; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Thịnh
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Đề tài thực hiện trên 4 nội dung chính
Nội dung 1: Đặc điểm hóa chi tiết và đầy đủ nhất các chỉ tiêu ngoại hình của gà Mía.
Nội dung 2: Xác định tần số một số kiểu gen của đa hình thuộc 2 gen INS, GH ở gà Mía; tìm xem trong số đó, có kiểu gen nào có liên quan đến tốc độ sinh trưởng của gà Mía để làm gen ứng viên. Nếu có thì, dựa vào đó, kết hợp với các phương pháp chọn lọc truyền thống như chọn lọc qua ngoại hình, chọn lọc trong gia đình, chọn lọc dựa vào giá trị giống (BLUP)... để chọn ra được dòng gà Mía sinh trưởng nhanh thế hệ xuất phát.
Nội dung 3. Từ thế hệ xuất phát, tiếp tục chọn tạo ra dòng gà Mía sinh trưởng nhanh qua 2 thế hệ tiếp theo, ổn định về ngoại hình và khối lượng cơ thể với số lượng đủ lớn của một dòng gà: gồm 30 gia đình (có tỷ lệ trống/mái trong mỗi gia đình là 1/6).
Nội dung 4: Đánh giá khả năng sản xuất thịt của gà Mía thương phẩm sinh ra từ dòng nói trên và xác định tuổi giết thịt thích hợp cho gà thương phẩm.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
4.1. Về mặt học thuật
Đề tài đã nghiên cứu để chi tiết hóa sâu hơn nhiều đặc điểm quan trọng của gà Mía, làm cơ sở vững chắc để chọn lọc gà Mía qua ngoại hình, chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa các tính trạng phenotyp và genotyp ở gà Mía.
Bằng công nghệ sinh học phân tử, đề tài đã phân tích các kiểu gen của 2 đa hình: A3971G và T3737C của gen INS và xác định rằng 2 đa hình này, không có kiểu gen nào có ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trọng của gà Mía (P > 0,05). Đề tài đã phát hiện ra trong nhiều kiểu gen của 2 đa hình, có 1 kiểu gen là GG của đa hình G662A của gen GH ở gà Mía có ảnh hưởng rõ rệt đến khối lượng cơ thể. Gà Mía trống mang kểu gen này có khối lượng cơ thể lúc 20 tuần tuổi cao hơn trung bình quần thể là 9,9% và gà mái là 10,7 % (P < 0,05). Đề tài đã sử dụng kiểu gen GG này làm gen ứng viên để chọn tạo ra dòng gà Mía sinh trưởng nhanh với số lượng là 30 gia đình, qua 3 thế hệ chọn lọc (từ thế hệ xuất phát đến thế hệ II).
Áp dụng hàm số toán học và đạo hàm của nó, bên cạch việc dự đoán chính xác đường cong sinh trưởng của gà Mía, cùng với việc sử dụng một số tham số kinh tế khác, đề tài đã xác định được tuổi gết thịt có hiệu quả kinh tế và tuổi giết thịt kỹ thuật tốt nhất của gà Mía để áp dụng trong chăn nuôi gà Mía thương phẩm.
4.2. Về mặt lý luận
Đề tài đã áp dụng thành công lý luận về phương pháp chọn lọc bằng công nghệ sinh học phân tử ở nước ta; kết hợp với một số phương pháp chọn lọc truyền thống, thường quy trong chăn nuôi để tạo ra dòng gà Mía sinh trưởng nhanh, tạo ra hệ thống giống gà Mía có cấu trúc hình tháp (vốn trước đây chỉ có ở các giống gà công nghiệp ở các nước phát triển) ở gà Mía - một giống gà nội có vị trí quan trọng trong quần thể gà bản địa ở nước ta. Sản phẩm của đề tài là dòng Mía sinh trưởng nhanh đã được Cục Chăn nuôi - Bộ NN và PTNT công nhận là TBKT năm 2021 (QĐ số 101/QĐ-CN-GSN ngày 02 tháng 04 năm 2021)