TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: TRẦN TUẤN SƠN
1.Tên luận án: Giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Hoà Bình
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2016
Năm tốt nghiệp 2022
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: TS. Hồ Ngọc Ninh, TS. Đỗ Hải Hồ
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp tập trung vào các nội dung như: (i) Đánh giá các giải pháp đã và đang triển khai nhằm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp; (ii) Kết quả thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp (phân theo lĩnh vực đầu tư, theo ngành, theo vùng sinh thái, và theo loại hình tổ chức tham gia đầu tư); và (iii) Hiệu quả và ảnh hưởng của thu hút đầu tư đến phát triển nông nghiệp.
Luận án đã nghiên cứu thực trạng thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp như chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, chính sách về tín dụng ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các giải pháp còn gặp một số khó khăn và hạn chế, nên kết quả thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tính đến 31/12/2021 trên địa bàn tỉnh có 656 dự án, trong đó chỉ có 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (chiếm 8,4%) với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều tiềm năng, phát triển và lợi thế của tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành. Trong khi nguồn vốn thu hút đầu tư của cả tỉnh có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp (về số dự án và tỷ trọng vốn đầu tư). Trong giai đoạn 2016-2020 thì chỉ số ICOR của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm đáng kể, như vậy hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp đang dần được nâng lên. Bình quân giai đoạn 2016-2020, hệ số ICOR ngành nông nghiệp là 2,75 (tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của lĩnh vực này đạt 3,99%). Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu ngành, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, và góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Nghiên cứu sẽ góp phần luận giải và làm rõ cơ sở lý luận về thu hút đầu tư và giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp; và kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm của một số địa phương ở Việt Nam, để từ đó rút ra 06 bài học kinh nghiệm cho tỉnh Hòa Bình trong tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp thời gian tới.
Nghiên cứu đã phân tích làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Hoà Bình gồm: Chính sách thu hút đầu tư; nguồn lực thực hiện giải pháp thu hút đầu tư (gồm vốn đầu tư công trong nông nghiệp; Nguồn nhân lực trong nông nghiệp); cơ sở hạ tầng; quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; Đặc điểm tự nhiên và lợi thế ngành đầu tư; và nhóm yếu tố thuộc về năng lực của các nhà đầu tư (Trình độ, nguồn lực tài chính, công nghệ); và yếu tố thị trường tiêu thụ.
Nghiên cứu luận án đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Hoà Bình giai đoạn tới như sau: (i) Hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để tạo niềm tin và sức hút cho các nhà đầu tư; (ii) Hoàn thiện chính sách về tiếp cận đất đai; (iii) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp; (iv) Tăng cường đầu tư nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất ngành nông nghiệp; (v) Tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nông nghiệp; (vi) Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công vào nông nghiệp; (vii) Nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư của các chủ thể đầu tư vào nông nghiệp (Doanh nghiệp, HTX, trang trại và hộ nông dân); và (viii) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư.