TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN VĂN PHƠ
1.Tên luận án: Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm tại tỉnh Bắc Ninh
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2017
Năm tốt nghiệp 2022
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Văn Hùng
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nghiên cứu phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm gồm nghiên cứu về chủ trương chính sách của nhà nước và địa phương có liên quan, nội dung nghiên cứu về quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm, nội dung nghiên cứu kiểm soát chất lượng đầu vào, thực hiện các quy trình chăn nuôi, liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và đánh giá kết quả và hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn.
Luận án đã nghiên cứu thực trạng phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm tại tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch vùng chăn nuôi ngoài khu dân cư nhằm chuyển dân chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Tỉnh cũng đã tiến hành kiểm soát thường xuyên chất lượng đầu vào phục vụ chăn nuôi đặc biệt là thuốc và thức ăn chăn nuôi. Đối với các cơ sở chăn nuôi, luận án đã nghiên cứu một cách hệ thống từ thực trạng trang bị cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi và thực hành chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm của các cơ sở. Về cơ bản, các hộ chăn nuôi quy mô lớn, ngoài khu dân cư có điều kiện chăn nuôi và thực hành chăn nuôi tốt hơn so với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong khu dân cư. Do đó, kết quả chăn nuôi của các hộ quy mô lớn, ngoài khu dân cư cũng cao hơn nhóm hộ quy mô nhỏ trong khu dân cư. Vấn đề liên kết trong chăn nuôi cũng được nghiên cứu trong luận án. Ở Bắc Ninh đã hình thành các liên kết ngang là các hợp tác xã chăn nuôi và có liên kết dọc. Tuy nhiên, việc phát triển các liên kết còn chậm.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Luận giải và phát triển lý luận về phát triển chăn nuôi lợn nói chung và chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm nói riêng. Luận án cũng làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm về lý thuyết. Từ đó, luận án xây dựng khung phân tích nghiên cứu phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm.
Luận án đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn theo hướng ATTP của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới gồm: (i) Tăng cường thực hiện quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; (ii) Công nghệ số hóa nhằm phân biệt sản phẩm trong chăn nuôi lợn; (iii) Cải tiến việc kiểm soát chất lượng đầu vào trong chăn nuôi; (iv) Xây dựng các chuỗi giá trị thịt lợn an toàn; (v) Nâng cao chất lượng môi trường chăn nuôi và giảm thiểu dịch bệnh trong chăn nuôi; (vi) Tập huấn, tuyên truyền nâng cao trình độ chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm cho người dân; (vii) Nâng cao nhận thức của hộ về chăn nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm.