TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: ĐINH CAO KHUÊ
1.Tên luận án: Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2017
Năm tốt nghiệp 2021
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp
Mã số: 9.62.01.15
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Trần Đình Thao 2. Tiến sĩ. Nguyễn Thị Thuỷ
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới và hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Hàng năm Nhật Bản nhập khẩu với khối lượng hàng hoá trị giá trên đến hơn 700 tỷ USD, trong đó nhập từ Việt Nam khoảng từ 19,3 tỷ USD, chiếm khoảng 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Hơn nữa, giữa Nhật Bản và Việt Nam có sự gần gũi về mặt địa lý và có những nét tương đồng về văn hóa, tập quán tiêu dùng, điều này càng tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam để có thể tăng cường xuất khẩu rau và trái cây sang Nhật Bản, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ mạnh của nước nhà. Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là rất cần thiết có ý nghĩa trong việc khai thác tốt hơn nữa tiềm năng và lợi thế của ngành hàng rau quả Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn cầu như hiện nay.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Đề tài luận án bổ sung, luận giải rõ hơn khung lý luận về nghiên cứu xuất khẩu nông sản hàng hóa. Nghiên cứu về xuất khẩu hàng hóa (nông sản, rau quả) không chỉ tiếp cận ở góc độ doanh nghiệp, mà phải bao gồm tiếp cận cả chuỗi giá trị hàng hóa, bao gồm cả khu vực hỗ trợ thông qua các chính sách đối với ngành và các hoạt động hỗ trợ khác. Đánh giá kết quả xuất khẩu hàng hóa nông sản của một quốc gia không chỉ dừng lại ở tăng trưởng kim ngạch cũng như lợi thế so sánh, mà hiệu quả kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp cần được đưa vào và coi như là một thước đo về tính khả thi về mặt kinh tế trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài các yếu tố đã được nghiên cứu trước đây, mức độ cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động xuất khẩu được đưa vào nghiên cứu như là các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu nông sản sang thị trường mục tiêu.
Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là: Nhu cầu, tiềm năng thị trường của Nhật Bản; Năng lực của các đơn vị có sự tham gia xuất nhập khẩu rau quả; Chất lượng, thương hiệu của sản phẩm rau quả Việt Nam; Sự phát triển của khoa học công nghệ; Tiềm năng và lợi thế trong phát triển sản xuất rau quả của Việt Nam; Sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong xúc tiến thương mại cho xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản; Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu. Qua kết quả chạy mô hình bằng phầ mềm STATA cho thấy, cả 9 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đều có hệ số hồi qui riêng phần có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%.
Giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới bao gồm 02 nhóm giải pháp: (1) Giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm các giải pháp: (i) Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách và giải pháp đẩy mạnh XK sản phẩm rau quả sang Nhật Bản; (ii) Phát triển khoa học công nghệ và đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị mặt hàng rau quả XK của Việt Nam; (iii) Phát triển hệ thống logistic ngành rau quả và công nghiệp phụ trợ cho XK rau quả; (iv) Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau quả XK. (2) Giải pháp đối với các DN và người sản xuất rau quả XK bao gồm 8 biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và ngành hàng rau quả.