TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN GIA KIÊM
1.Tên luận án: Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu khu vực miền Trung Việt Nam
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2015
Năm tốt nghiệp 0
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp
Mã số: 9 62 01 15
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS. Lê Trọng Hùng; TS. Hoàng Liên Sơn
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nghiên cứu hướng tới: (i) Luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn về liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu; (ii) Đánh giá thực trạng liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu tại khu vực miền Trung Việt Nam; (iii) Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu tại khu vực miền Trung Việt Nam; (iv) Đề xuất giải pháp thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp khu vực miền Trung Việt Nam.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Liên kết giúp tạo thêm sức mạnh, nâng cao hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho mỗi thành viên tham gia nhằm tạo ra mối quan hệ ổn định, bù đắp các thiếu hụt của mỗi bên, khai thác tối đa lợi thế so sánh và có lợi nhất thông qua các quy tắc ràng buộc; liên kết thường biểu hiện qua 3 hình thức chính là liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết hỗn hợp; trong đó, liên kết ngang là điều kiện cần và liên kết dọc là điều kiện đủ căn bản để hình thành liên kết hỗn hợp có hiệu quả.
Phát triển liên kết sản xuất theo 2 hướng chính là phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, đối với phát triển rừng gỗ nguyên liệu, nghiên cứu chỉ ra rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với định hướng xuất khẩu là chính, cần ưu tiên phát triển rừng gỗ nguyên liệu theo chiều sâu, tập trung phát triển rừng theo hướng Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, tăng hiệu quả sản xuất rừng trồng với chu kỳ kinh doanh tối ưu.
Để thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu khu vực miền Trung, cần thực hiện đồng bộ 05 nhóm giải pháp sau: (1) Khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững; (2) Nâng cao năng lực tự vận hành liên kết và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia liên kết; (3) Đổi mới chiến lược kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu; (4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển liên kết trồng rừng có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững; (5) Khuyến nghị chính sách thúc đẩy phát triển liên kết trong kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu.