TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN THỊ THU QUỲNH
1.Tên luận án: Quản lý nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2016
Năm tốt nghiệp 2021
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1.TS. Nguyễn Tất Thắng/ 2.TS. Nguyễn Quốc Oánh
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Luận án hướng tới: i) Hệ thống hóa và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý nước sạch nông thôn; ii) Phân tích thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng; iii) Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường quản lý nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Về lý luận, Luận án đã làm rõ khái niệm về nước sạch nông thôn theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; làm rõ khái niệm và xác định đầy đủ các nội dung quản lý nước sạch nông thôn theo chức năng của quản lý nhà nước. Các kinh nghiệm trong quản lý nước sạch nông thôn ở một số nơi trên thế giới và một số địa phương ở Việt Nam cũng được nghiên cứu tổng kết, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho thành phố Hải Phòng. Luận án đã tổng hợp, lựa chọn được 04 nhóm tiêu chí (bao gồm: tính hiệu lực, tính bao phủ, tính công bằng và tính bền vững) để đánh giá kết quả quản lý nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, luận án đã minh họa cho việc lựa chọn, sử dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng (phương pháp đánh giá cho điểm xếp hạng, phương pháp vẽ đường cong Lorenz và tính hệ số Gini) để giải quyết các mục tiêu nghiên cứu đề ra.
Về thực tiễn, Luận án đã mô tả lại thực trạng thực hiện đầy đủ các nội dung quản lý NSNT theo chức năng của quản lý nhà nước, vận dụng 04 nhóm tiêu chí đã lựa chọn để đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những hạn chế trong quản lý nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng thời gian qua. Luận án cũng phân tích và chỉ ra sự thiếu nhất quán của chủ trương, chính sách; thiếu kinh phí và nhân lực là các yếu tố gây khó khăn trực tiếp cho công tác quản lý NSNT. Từ đó, Luận án đã đề xuất 05 nhóm giải pháp tăng cường quản lý NSNT trong thời gian tới, trọng tâm là bố trí nguồn lực hợp lý cho thực hiện các nội dung quản lý NSNT ở các cấp, đồng thời hoàn thiện chính sách, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và mức sẵn lòng chi trả cho dịch vụ nước sạch của người dân nông thôn.