TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN THỊ DUNG
1.Tên luận án: Phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2017
Năm tốt nghiệp 2020
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9.31.01.05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: (1) PGS. TS. Nguyễn Quang Hà (2) TS. Mai Lan Phương.
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Luận án hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình về quan điểm, khái niệm, vai trò và đặc điểm của phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình. Tính hợp lý trong phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình được đánh giá dựa trên tính công bằng, tính hiệu quả và mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả. Hiện trạng phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình theo thời gian tại tỉnh Bắc Giang được đánh giá là có sự khác biệt giữa các vùng, giữa các loại hình sử dụng đất và giữa các loại hộ phân theo ngành nghề. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình Bắc Giang chủ yếu là quy mô nhỏ, manh mún. Tuy nhiên, hiện trạng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp cũng đang dần hình thành. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng manh mún là một yếu tố phi hiệu quả. Tuy nhiên, quy mô đất nông nghiệp nhỏ chưa hẳn là một yếu tố bất lợi nếu sử dụng các biện pháp thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình được xem là hiệu quả và công bằng khi bảo đảm đất nông nghiệp sử dụng đúng mục đích và được sử dụng bởi các hộ có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp. Giải quyết được vấn đề này sẽ giúp địa phương tránh được tình trạng bỏ ruộng, trong khi những người cần đất lại không có đất để sản xuất, dẫn đến không đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình. Luận án cũng đã nhận diện các yếu tố thúc đẩy và cản trở đến phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình tỉnh Bắc Giang gồm: Chính sách, thể chế; Kinh tế, kỹ thuật; Tâm lý, xã hội; Đưa ra dự báo về bức tranh phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình trong tương lai từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phân bố theo hướng kết hợp được tối đa yêu cầu/mục tiêu về hiệu quả và công bằng.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Ngoài hệ thống hóa các khái niệm, quan điểm, vai trò và đặc điểm, nhân tố ảnh hưởng đến phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình, thì luận án có những đóng góp nhất định trong lý luận về công bằng, hiệu quả kinh tế, mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả.
Luận án sử dụng phương pháp thống kê mô tả về phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình; Mô hình đường giới hạn ngẫu nhiên sử dụng nhằm xác định mối quan hệ giữa hiệu quả và quy mô đất đai; Mô hình probit trong phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia thị trường đất đai; Tìm ra các nhân tố xác định công bằng qua mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA). Tuy các phương pháp trên không phải là hoàn toàn mới, nhưng có những đóng góp nhất định trên góc độ lựa chọn phương pháp và ứng dụng vào các tình huống cụ thể trong nghiên cứu.
Các khía cạnh của phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình được đề cập không chỉ về hai nhóm tiêu chí phổ biến là tích tụ, tập trung hay manh mún, phân tán mà còn đặt hiện trạng đó trong mối quan hệ với hai nhóm tiêu chí đánh giá mục tiêu của sản xuất nông nghiệp là tính hiệu quả và tính công bằng. Đây cũng có thể được coi là điểm mới về tính toàn diện trong nghiên cứu, đánh giá về phân bố đất nông nghiệp hộ gia đình. Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích nhân tố ảnh hưởng, luận án đã đề cập toàn diện đến các nhóm yếu tố: Chính trị, thể chế; Kinh tế, kỹ thuật; Tâm lý, xã hội. Trong đó, tập trung chú ý đến các tác động bổ sung hay ngược chiều nhau và sự diễn ra đồng thời của các nhân tố, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phân bố hợp lý đất nông nghiệp hộ gia đình.