TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: PHẠM VĂN TÍNH
1.Tên luận án: Chọn tạo giống lúa chịu ngập úng cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2015
Năm tốt nghiệp 2020
Chuyên ngành: Di truyền và Chọn giống cây trồng
Mã số: 9.62.01.11
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1- PGS.TS. Trần Văn Quang; 2- TS. Hoàng Bá Tiến
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Chọn tạo giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt và chịu ngập úng ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam là hết sức cần thiết. Kết quả đề tài là đã đánh giá được sự đa dạng di truyền nguồn vật liệu; lựa chọn được một số mẫu giống có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao để lai tạo, chọn lọc giống lúa chịu ngập. Thông qua đánh giá đã chọn được 6 dòng lúa triển vọng và đều mang gen chịu ngập Sub1. Dòng lúa triển vọng nhất U1080 có thời gian sinh trưởng ngắn, nhiễm nhẹ sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Khảo nghiệm sản xuất tại một số địa phương, dòng U1080 có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu ngập tốt.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Đánh giá đa dạng di truyền nguồn vật liệu dựa trên kiểu hình, đồng thời lựa chọn được các dòng, giống lúa có: hàm lượng protein cao (P6, PC6, T10, Gia Lộc 102); hàm lượng amylose thấp, thơm (TL6, HT1 HT9, AC5); năng suất cao, hàm lượng amylose thấp (SH12, U17, Gia Lộc 105, BC15); khả năng chịu ngập tốt (Swarna-Sub1, IR64-Sub1, INPARA3, Samba Mahsuri-Sub1, FR13A, IR05A199) phục vụ công tác chọn tạo giống lúa mới chịu ngập, năng suất cao và chất lượng tốt ở Việt Nam.
Thông qua sử dụng phương pháp lai đơn giữa dòng mẹ là giống lúa chất lượng (TL6) và dòng bố là giống lúa mang Sub1 (Swarna-Sub1) có thể chọn tạo được giống lúa chịu ngập úng tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Chọn tạo thành công dòng lúa U1080 có thời gian sinh trưởng 130 ngày trong vụ Xuân, 110 ngày trong vụ Mùa, nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh, năng suất đạt 71,2 tạ/ha trong vụ Xuân và 63,5 tạ/ha trong vụ Mùa, tỷ lệ gạo xát đạt 71,5%, hàm lượng amylose 18,2%, chất lượng cơm khá, đặc biệt có khả năng chịu ngập 10-12 ngày ở giai đoạn mạ.