TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: TẠ VĂN TƯỜNG
1.Tên luận án: Nghiên cứu cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn ở thành phố Hà Nội
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2015
Năm tốt nghiệp 2020
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp
Mã số: 9.62.01.15
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: GS. TS. Đỗ Kim Chung
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nghiên cứu giải quyết 3 mục tiêu cụ thể là: (1) Hệ thống hóa và góp phần phát triển cơ sở lý luận và thực tiễn về cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn; (2) Đánh giá thực trạng, phân tích các yếu tố có ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi sản phẩm thịt lợn tại thành phố Hà Nội; (3) Đưa ra các giải pháp cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn tại thành phố Hà Nội. Từ đó, nội dung là nghiên cứu, phân tích, đánh giá về: (1) Thực trạng phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay về số lượng chuỗi, đặc điểm các chuỗi, sản phẩm các chuỗi cung cấp cho thị trường,...; (2) Thực trạng cung cấp các dịch vụ công hiện nay về số lượng các dịch vụ công cung cấp và tỷ lệ tiếp nhận của các tác nhân, phí cung cấp và phương thức cung cấp các dịch vụ công, một số kết quả cung cấp dịch vụ công qua các năm; (3) Sự hài lòng của các tác nhân khi tiếp nhận các dịch vụ công; (4) Phân tích các yếu tố có ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi sản phẩm thịt lợn tại thành phố Hà Nội để từ đó đề ra các giải pháp.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
- Đã hệ thống hóa và xây dựng cơ sở lý luận về dịch vụ công và cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị nông sản. Luận án đã luận bàn về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp kinh tế, các tổ chức và tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ công. Từ đó đưa ra các luận điểm khoa học để điều chỉnh, phân cấp dịch vụ công (do nhà nước trực tiếp cung cấp và dịch vụ công uỷ quyền cho đơn vị sự nghiệp và tư nhân cung cấp) để cung cấp cho phát triển các chuỗi giá trị nông sản nói chung và sản phẩm thịt lợn nói riêng. Đã chỉ ra có hai nhóm dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn: dịch vụ trong từng khâu trong chuỗi và dịch vụ trong toàn chuỗi. Đây là cơ sở lý luận là cơ sở quan trọng để phân tích thực trạng và có thể tham khảo, áp dụng cho các ngành hàng sản phẩm khác.
- Thứ hai: Luận án đã chỉ ra được thực trạng cung cấp 52 dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn ở Hà Nội với đặc trưng cơ bản là cơ quan quản lý nhà nước cung cấp phần lớn các dịch vụ công, có hiện tượng chồng chéo các loại dịch vụ trong cùng một cơ quan và giữa các cơ quan cung cấp, có việc cơ quan quản lý Nhà nước vừa cấp chứng nhận vừa đi kiểm tra thực tế về điều kiện và hồ sơ được chứng nhận của đối tượng bị quản. Chưa có sự tham gia hữu hiệu của khu vực tư nhân và đơn vị sự nghiệp vào cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn. Các dịch vụ công được cung cấp cơ bản là các thủ tục hành chính hình thành từ các quy định quản lý do cơ quan nhà nước cung cấp, chưa thực sự xuất phát từ mục đích để phát triển chuỗi giá trị. Phương thức cung cấp chủ yếu là trực tiếp tại cơ quan cung cấp hay ở cơ sở, chưa thực hiện cung cấp trực tuyến. Vấn đề phí cung cấp và phương thức cung cấp dịch vụ công chưa hợp lý và chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Các tác nhân trong chuỗi chưa tiếp cận được đầy đủ số dịch vụ công cung cấp bởi cơ quan quản lý Nhà nước nhưng đã có thể tiếp cận đủ số dịch vụ cung cấp bởi các đơn vị sự nghiệp và tổ chức tư nhân. Luận án đã chỉ ra ảnh hưởng của các yếu tố đến cung cấp dịch vụ công là cơ sở để đề xuất các giải pháp.
Thứ ba: Luận án đã đề ra các quan điểm đổi mới cung cấp dịch vụ công ở Hà nội như chuyển từ chỉ đạo sang kiến tạo, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát huy sự tham gia của đơn vị sự nghiệp và tư nhân, điều chỉnh nội hàm của các dịch vụ công cho phù hợp với phương thức quản lý mới, linh hoạt trong sử dụng cơ chế phí và giá, trên cơ sở có sự phân định nhiệm vụ và chức năng rõ ràng giữa các cơ quan và đơn vị cung cấp, kết hợp tốt cung cấp trực tiếp với trực tuyến. Từ đó, luận án đã đề ra các giải pháp hoàn thiện cung cấp các dịch vụ công ở Hà nội trên như: phân định rõ chức năng của các cơ quan cung cấp dịch vụ công, sắp xếp lại các dịch vụ (giảm từ 32 dịch vụ công của nhà nước xuống còn 16, còn đối với đơn vị sự nghiệp tăng từ 20 thành 30 dịch vụ công), đổi mới phương thức cung cấp, áp dụng cơ chế giá và phí, nâng cao năng lực của cơ quan cung cấp và tiếp nhận dịch vụ công. Các quan điểm, giải pháp đề xuất có giá trị cho Hà Nội và các địa phương khác.