TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: LÊ THỊ MINH THẢO
1.Tên luận án: Khai thác nguồn gen ngô địa phương và nhập nội phục vụ chọn tạo giống ngô nếp lai thích ứng với điều kiện canh tác tỉnh Lào Cai
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2010
Năm tốt nghiệp 2014
Chuyên ngành: Di truyền và Chọn giống cây trồng
Mã số: 62 62 01 11
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS. Vũ Văn Liết; TS. Lê Quý Kha
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Nguồn gen ngô nếp địa phương và nhập nội có giá trị vô cùng to lớn, là nguồn vật liệu quý trong việc tạo giống ngô chất lượng, khả năng chống chịu. Từ quá trình đánh giá nguồn vật liệu, chọn tạo, tạo dòng thuần. Đánh giá độ đa dạng của dòng thuần dựa vào kiểu hình và marker SSR, đánh giá khả năng chịu hạn của dòng thuần đã lựa chọn được 6 dòng thuần có khả năng chịu hạn tốt, mức độ đa dạng cao. Sử dụng các dòng thuần làm bố mẹ, tạo các tổ hợp lai; Kết quả luận án đã chọn tạo được một số tổ hợp lai có triển vọng, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chịu hạn tốt với điều kiện nhờ nước trời của Lào Cai.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Nghiên cứu vật liệu ngô nếp địa phương và nhập nội ở cấp độ kiểu hình. Đánh giá kiểu hình theo một số tính trạng như: sinh trưởng, năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu. Trên cơ sở đó, lựa chọn một số giống làm nguồn vật liệu trong chọn giống ngô nếp chất lượng, có khả năng chịu hạn, phục vụ cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Việt Nam.
Sử dụng 19 cặp mồi SSR đánh giá đa dạng di truyền của 24 dòng thuần ngô nếp. Tất cả các marker đã cho thấy sự đa hình với tổng số 75 alen được nhận ra. Có 5 cặp mồi có hệ số thông tin đa hình cao phi328175, phi101049, phi102228, phi072 và phi299852.
Phát triển vật liệu di truyền ngô nếp và tổ hợp ngô nếp lai kết hợp nguồn gen bản địa và ngoại lai nhằm nâng cao đa dạng di truyền của ngô nếp Việt Nam. Một hướng nghiên cứu đã được thực hiện rộng rãi đối với ngô thường trên thế giới và nước ta nhưng chưa có nghiên cứu đối với ngô nếp.
Sử dụng phương pháp tạo giống truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học đã tạo ra được sáu tổ hợp ngô nếp lai có năng suất, chất lượng cao vượt so với đối chứng, có khả năng chịu hạn tốt. Góp phần làm tăng nguồn gen ngô nếp của Việt Nam.