TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: CHÂU QUỐC TUẤN
1.Tên luận án: Phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2011
Năm tốt nghiệp 2016
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 62.31.01.05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền 2. TS Võ Quế
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Vịnh Bái Tử Long (Vịnh BTL), tỉnh Quảng Ninh ôm chọn khu Kinh tế Vân Đồn, nằm liền kề và có tài nguyên biển đảo đặc sắc không kém so với kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long. Nhận thấy được giá trị ngoại hạng này của Vịnh. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phát triển Vịnh BTL trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, Luận án đi sâu nghiên cứu phân tích, đánh giá thực trạng về phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long giai đoạn 2005 - 2015, phân tích các yếu tố ảnh hưởng từ đó đề xuất các nhóm giải pháp phù hợp có tính khả thi để phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long, góp phần xây dựng thành công Đặc Khu kinh tế Vân Đồn trong thời gian tới.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
- Hệ thống hoá, bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển du lịch biển đảo qua đó luận giải các nội dung trong phát triển du lịch biển đảo. Nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm về phát triển du lịch biển đảo của một số địa phương trong nước và quốc tế từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch biển đảo.
- Đánh giá thực trạng về phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long cho thấy: Vịnh có tiềm năng tài nguyên du lịch biển đảo nổi trội và phong phú, có mức độ thuận lợi cao đối với các loại hình du lịch sinh thái, thăm quan, nghỉ dưỡng, tắm biển,… là lợi thế so sánh đặc biệt để phát triển du lịch biển đảo. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua du lịch biển đảo Vịnh đã có bước phát triển quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống thu nhập cho cư dân địa phương. Tuy nhiên trong quá trình phát triển DLBĐ Vịnh BTL còn bộc lộ nhiều hạn chế như: sự phát triển chưa thực sự bền vững; chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh tài nguyên biển đảo mà thiên nhiên ban tăng; thời vụ khai thác du lịch ngắn; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn, nguồn nhân lực du lịch thiếu tính chuyên nghiệp…., thêm vào đó là thách thức của sự biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và những bất ổn về tình hình chính trị xuất hiện ở biển Đông mới đây đã có những tác động rõ rệt đến an ninh quốc gia và ảnh hưởng không nhỏ tới DLBĐ Vinh BTL.
- Để phát triển DLBĐ Vịnh BTL trong thời gian tới, Luận án đề xuất các định hướng về phát triển thị trường, sản phẩm và tổ chức không gian DLBĐ Vịnh BTL với 8 tuyến du lịch nội vùng, 9 tuyến ngoại vùng. Đồng thời đề xuất 10 nhóm giải pháp phù hợp có tính khả thi để phát triển DLBĐ Vịnh BTL theo hướng bền vững và đạt được các mục tiêu định hướng đề ra: (i) Phát triển sản phẩm du lịch biển đảo; (ii) Xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường; (iii) Phát triển nguồn nhân lực; (iv) Phát triển cơ sở hạ tầng; (v) Tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện các chính sách phát triển du lịch biển đảo; (vi) Hạn chế tính vụ mùa của du lịch biển đảo; (vii) Nâng cao nhận thức xã hội và tăng cường vai trò của cộng đồng đối với phát triển du lịch biển đảo; (viii) Tăng cường liên lết phát triển du lịch; (ix) Các giải pháp về môi trường và bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch; (x) Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng - anh ninh trong phát triển du lịch.