TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: VŨ VĂN HIẾU
1.Tên luận án: Đánh giá hiện trạng suy thoái cam sành trồng tại Bắc Quang, Hà Giang và một số giải pháp khắc phục.
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2011
Năm tốt nghiệp 2016
Chuyên ngành: Khoa học cây trồng
Mã số: 62.62.01.10
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, PTS. Vũ Quang Sáng
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Cam quýt là một trong những cây ăn quả đặc sản của Việt Nam bởi giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Cây cam sành được trồng tại Bắc Quang từ lâu đời đồng thời huyện Bắc Quang có điều kiện đất đai, địa hình, chế độ thuỷ văn, điều kiện khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển đặc biệt là cây cam sành. Cây cam sành là cây đem lại nguồn thu chủ yếu cho huyện, đã có rất nhiều hộ dân thu nhập từ 2 – 5 tỷ đồng/năm nhờ vào cây cam sành. Tuy nhiên, lịch sử phát triển cam quýt ở Bắc Quang rất thăng trầm. Vào năm 2000, diện tích cây có múi của huyện đã đạt tới trên 3.500 ha và sản lượng khoảng 35.000 tấn, song những năm tiếp theo diện tích bị giảm một cách nhanh chóng, năm 2006 diện tích là 3.035 ha, năm 2010 diện tích là 1.892,3 ha và năm 2011 diện tích còn 1.006,78 ha. Như vậy, chỉ sau 10 năm diện tích cam sành chỉ còn 34,9% và sau 11 năm diện tích cam sành tại Bắc Quang giảm chỉ còn 27,8%. Song song với sự suy giảm về diện tích là sự suy giảm về năng suất và sản lượng cây cam sành. Việc tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá hiện trạng suy thoái cam sành trồng tại Bắc Quang, Hà Giang và một số giải pháp khắc phục” nhằm tìm ra những nguyên nhân và biện pháp khắc phục để phát triển bền vững vùng sản xuất hàng hóa cam sành đặc sản này của tỉnh.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
- Mô tả khái niệm hiện tượng suy thoái và đánh giá nguyên nhân của hiện tượng suy thoái cây cam sành nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung. Hiện tượng suy thoái cây cam sành tại Bắc Quang đang diễn ra nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Hiện tượng suy thoái xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ khi mới trồng đến các cây lâu năm trên 10 năm tuổi và trên tất cả các loại đất trồng cam. Nguyên nhân của hiện tượng suy thoái không phải thiếu dinh dưỡng, tính đồng nhất (độ thuần) của giống không cao mà chủ yếu do sự gây hại của sâu, bệnh
- Thông qua phân tích chỉ thị phân tử RAPD và ISSR tại 30 locus, những kết quả thu được cho thấy mặc dù trong mỗi nhóm giống có sự tương đồng rất cao, nhưng giữa các nhóm cũng đã có hiện tượng phân ly nhất định, hệ số tương đồng chỉ đạt 0,7, ngưỡng thấp nhất của sự tương đồng, do vậy cũng đã ảnh hưởng tới tính đồng nhất của giống và là một trong những nguyên nhân làm năng suất, chất lượng của Cam sành Bắc Quang không đồng đều.
- Cải tiến quy trình vi ghép đỉnh sinh trưởng đối với tạo cây cam sành sạch bệnh bằng việc ngâm gốc ghép trong môi trường MS + 0,25mg/l BA + 0,25mg/l α-NAA 30 phút trước khi tiến hành vi ghép và sử dụng lớp agar mỏng liên kết tại vị trí ghép.