TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: PHAN XUÂN LĨNH
1.Tên luận án: Nguồn lực sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2013
Năm tốt nghiệp 2016
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 62 31 01 05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn:
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Luận án thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tập trung nghiên cứu sâu ở một số nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Luận án tiếp cận nguồn lực sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặt trong bối cảnh các yếu tố có thể gây tổn thương, các tác động của chính chính sách và ảnh hưởng của yếu tố dân tộc tới nguồn lực sinh kế của hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Luận án đã phát hiện và đề xuất được tiến trình cải thiện nguồn lực sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Về lý luận, luận án đã đưa ra cách nhìn mới về việc kết hợp vận dụng 2 khung phân tích sinh kế của DFID và IFAD để phân tích nguồn lực sinh kế thực tế của 3 dân tộc thiểu số tại chỗ sau thời kỳ đổi mới ở Đắk Lắk. Các ước lượng theo thời gian về sự thay đổi nguồn lực sinh kế, các phân tích ảnh hưởng về chính sách, các yếu tố gây tổn thương đối với nguồn lực sinh kế và các yếu tố văn hóa dân tộc được luận án chú trọng trong phân tích nguồn lực sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số. Luận án rút ra yếu tố nguồn lực con nười là trung tâm có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp và chi phối các nguồn lực khác.
Về thực tiễn, luận án đã chỉ ra được thực tế ở Việt Nam nói chung và ở vùng Tây Nguyên nói riêng, tình trạng nghèo đói còn tồn tại dai dẳng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Luận án đã chỉ ra được nguyên nhân của những hạn chế này là do chính sách hỗ trợ của các tổ chức đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn được thực hiện theo quan điểm cứu trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Bản thân các hộ gia đình dân tộc thiểu số cũng chưa nhận thức rõ các khó khăn, lạc hậu của họ nên chưa nỗ lực vươn lên. Chính vì vậy, cần thay đổi cách thức thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hướng chính sách tới mục tiêu trọng tâm là tạo điều kiện cải thiện các nguồn lực sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số để họ có thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sinh kế của mình nhằm thoát nghèo một cách bền vững.