TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: TRẦN ĐỨC THIỆN
1.Tên luận án: Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu suất sử dụng phân đạm dạng viên nén cho ngô trên đất phù sa sông Mã tại Thanh Hoá
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2010
Năm tốt nghiệp 2016
Chuyên ngành: Khoa học cây trồng
Mã số: 62 62 01 10
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh. 2. PGS.TS. Nguyễn Thế Hùng
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Diện tích trồng ngô của Việt Nam hàng năm trên 1,1 triệu ha, năng suất trung bình 44,8 tạ/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 5,2 triệu tấn/năm; sản lượng ngô sản xuất ra chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đạm là nguyên tố dinh dưỡng chính ảnh hưởng đến năng suất ngô. Sử dụng phân viên nén giúp hạn chế quá trình mất phân do rửa trôi, bay hơi, đạm được giải phóng từ từ theo nhu cầu của cây; qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng của phân đạm.
Thanh Hóa là một trong trong 4 tỉnh có diện tích trồng ngô lớn nhất cả nước, ngô cây trồng chủ lực của tỉnh. Năng suất ngô bình quân của tỉnh Thanh Hóa năm 2015 đạt 43,2 tạ/ha, thấp hơn 1,6 tạ/ha so với chung của cả nước.
Luận án đã tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đạm của ngô trên đất phù sa sông Mã thông qua việc xây dựng chế độ bón phân đạm dạng viên nén hợp lý cho ngô (bao gồm xác định lượng bón, thời gian bón, cách bón và biện pháp che phủ cho ngô) tại huyện Vĩnh Lộc - tỉnh Thanh Hoá.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
- Đã chỉ rõ khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất phù sa sông Mã cho cây ngô tại khu vực nghiên cứu ở mức: Khả năng cung cấp đạm của đất (INS) là 44,4 - 88,3 kg N/ha; khả năng cung cấp lân của đất (IPS) là 21,8 - 54,8 kg P2O5/ha; khả năng cung cấp kali của đất (IKS) là 31,6 - 82,7 kg K2O/ha.
- Xác định được lượng phân đạm bón thích hợp (trên nền 8 tấn phân chuồng + 90 kg P2O5 + 90 kg K2O/ha) cho giống ngô C919 là 120 kg N dạng viên nén/ha.
- Đã mô hình hóa được sự di chuyển đạm từ vị trí bón phân đạm dạng viên nén trong đất làm cơ sở để xác định được khoảng cách, độ sâu bón đạm dạng viên nén cho ngô thích hợp nhất ở khoảng cách 10 cm so với gốc ngô và độ sâu 10 cm so với bề mặt luống ngô.
- Sử dụng phân đạm dạng viên nén kết hợp với biện pháp che phủ sẽ giúp cho cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, cho năng suất hạt bình quân đạt 76,4 tạ/ha, tạo ra giá trị sản xuất bình quân 45,8 triệu/ha với chi phí sản xuất hợp lý, đem lại lãi bình quân 27,0 triệu/ha (cao hơn 8,3 triệu đồng/ha, tương ứng với 44,4% so với sản xuất ngô theo quy trình thông thường).