TRANG THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS: NGUYỄN XUÂN QUYẾT
1.Tên luận án: Nghiên cứu Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển Cơ sở hạ tầng Giao thông nông thôn tỉnh Đồng Nai
2.Thông tin về nghiên cứu sinh:
Năm nhập học: 2012
Năm tốt nghiệp 0
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 62.31.01.05
Chức danh khoa học, học vị của người hướng dẫn: GS. TS. Phạm Thị Mỹ Dung
Cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam
3.Giới thiệu về luận án:
Về lý luận, (i) Luận án đã hệ thống hóa và làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận về các loại cộng đồng, các hoạt động tham gia của cộng đồng trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; (ii) Phân tích các hình thức, mức độ tham gia của cộng đồng và kinh nghiệm huy động sự tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT ở một số nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan,...; Tập hợp một số kinh nghiệm, mô hình huy động tham gia của cộng đồng của các địa phương trong nước như tỉnh Phú Thọ, Bình Dương,... Từ đó, rút ra bài học cho Việt Nam và tỉnh Đồng Nai.
Về thực tiễn, (i) Luận án chỉ ra 7 nội dung tham gia chủ yếu của cộng đồng cho phát triển CSHT GTNT: Xác định nhu cầu và qui hoạch; Lập dự toán và chính sách tham gia; Đóng góp các nguồn lực vật chất (tiền bạc, lao động, vật liệu và đất đai); Thi công xây dựng; Kiểm tra và giám sát; Tổ chức quản lý sử dụng và bảo trì bảo dưỡng; Thụ hưởng và đánh giá hiệu quả. Với mỗi nội dung, luận án đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và các yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT tỉnh Đồng Nai. (ii) Luận án đã chỉ ra các tác nhân và sự phối hợp giữa các tác nhân trong khối cộng đồng tham gia,...; đánh giá kết quả, mức độ và loại hình tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT nhằm đề xuất các giải pháp huy động và tăng cường sự tham gia hợp lí đối với điều kiện của từng vùng; phù hợp với khả năng tham gia của loại cộng đồng,... (iii) Luận án đã chỉ ra được mô hình tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT áp dụng ở tỉnh Đồng Nai, là cơ sở cho việc cải tiến công tác tổ chức, quản lý sự tham gia,... (iv) Qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đã đề xuất 06 nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT Đồng Nai: 1) Bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách cho sự tham gia của cộng đồng. 2) Xây dựng mô hình tham gia phù hợp với loại cộng đồng và đặc thù của từng vùng/ địa phương. 3) Đổi mới công tác quản lý và kế hoạch hoá hoạt động tham gia của cộng đồng. 4) Đa dạng hoá các nội dung, hình thức và cơ chế tham gia, nhằm khai thác tối đa khả năng tham gia của cộng đồng theo đặc thù của từng vùng/ địa phương. 5) Tăng cường huy động sự tham gia của cộng đồng cho phát triển CSHT GTNT với một số chương trình phát triển kinh tế-xã hội. 6) Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền vận động theo chủ thể cộng đồng tham gia.
4.Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Luận án đã cung cấp thêm những kết quả nghiên cứu về sự tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT; Góp phần bổ sung lí luận về sự tham gia của cộng đồng trong thụ hưởng và đánh giá hiệu quả CSHT GTNT, là nội dung trước đây chưa được quan tâm nghiên cứu,...; Từ nghiên cứu thực tiễn đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển CSHT GTNT tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.